CIEM đề xuất ‘chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường’

Trang Mai 16:50 | 17/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với đề xuất “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ngành nước giải khát là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Ngành nước giải khát “dễ bị tổn thương”

Liên quan đến Dự thảo, ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”. 

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Trang

Theo kết quả tính toán của CIEM, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với nước giải khát có đường thì sẽ có nhiều tác động cụ thể tới ngành như: Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; Giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành nước giải khát đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng… 

Có thể thấy, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, nước giải khát là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành nước giải khát càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, Báo cáo này đề xuất Chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.

Theo CIEM, thời gian qua, doanh nghiệp ngành nước giải khát liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp trong ngành suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cùng với việc sửa đổi Luật thuế TTĐB, dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đang đề xuất chuyển nhóm mặt hàng "đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm rỉ đường, bã mía, bã bùn" từ nhóm đang áp dụng mức thuế suất GTGT 5% sang nhóm áp dụng thuế suất GTGT 10%. Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) cũng đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như Bộ Tài chính đề xuất, thì các doanh nghiệp sẽ cùng lúc chịu thêm nhiều sức ép lớn từ việc tăng chi phí nguyên liệu sản xuất do giá đường tăng; tăng giá bán do tăng chi phí, do áp thuế TTĐB. Đồng thời, doanh nghiệp ngành nước giải khát cũng sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế khi mặt hàng nước giải khát có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục thuế cho biết: “Việc đưa đồ uống, nước giải khát có đường vào dự thảo sửa đổi Luật thuế lần này là một nội dung mới. Do vậy, Ban soạn thảo cần phải đánh giá tác động đầy đủ của một chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thương mại, dịch vụ. Nó còn liên quan đến đầu vào của nguyên liệu, người lao động cũng như tất cả việc làm của tất cả chuỗi cung ứng đó. 

Vấn đề khó là gì? Mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng quan điểm của cá nhân tôi thì khi đưa ra một chính sách phải có những đánh giá rất kỹ càng. Đánh giá của cơ quan y tế, người tiêu dùng, các nhà sản xuất, thị trường… thì lúc đó mới đưa ra một chính sách hợp lý, đảm bảo được mục tiêu của Luật thuế thụ đặc biệt, đó là điều chỉnh hành vi tiêu dùng rồi, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Nhưng nếu chúng ta không đưa ra một chính sách phù hợp thì có thể những sản phẩm đủ tiêu chuẩn thì lại tăng giá, và người ta lại chuyển sang những sản phẩm khác không đủ chất lượng. Lúc đó lại ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Đánh giá về những tác động đến doanh nghiệp nếu dự thảo được thông qua, bà Cúc cho rằng khi thuế tăng lên sẽ dẫn đến các chi phí tăng, khiến giá thành tăng theo. “Nguyên tắc là thuế tiêu thụ đặc biệt nằm trong giá, cho nên giá bán sản phẩm cũng sẽ tăng lên tương ứng. Nếu như thị trường không chấp nhận được thì số lượng tiêu thụ sẽ ít đi và ảnh hưởng đến quy mô của sản xuất cũng như tiêu thụ. Đôi lúc là phải sắp xếp lại kinh doanh và việc này cũng cần lộ trình. 

Vì vậy phải có thời gian chuyển đổi và có lộ trình để các doanh nghiệp cũng như khâu cung ứng tiêu thụ thu xếp, chuẩn bị để phù hợp”, bà Cúc nhấn mạnh. 

'Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường gián tiếp tác động vào cả chuỗi giá trị, chứ không chỉ doanh nghiệp'

Về phía doanh nghiệp, Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Tôi đề nghị chúng ta cần phải có nhìn nhận về ngành sản xuất. Ngành sản xuất đồ uống không chỉ là một doanh nghiệp mà là một hệ thống tạo nên chuỗi giá trị. Chúng tôi có hàng trăm nghìn hộ nông dân cung cấp những nguyên liệu như trà tỉnh Thái Nguyên, sương sáo, thảo mộc… Sau khi có nguyên liệu rồi thì bắt đầu đến sản xuất, sau đó là 800.000 hộ gia đình ở trong kênh phân phối.

Với hệ thống tạo nên chuỗi lợi ích như thế thì tôi nghĩ rằng về bản chất, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường đã gián tiếp tác động vào cả chuỗi đó, chưa nói là điều này có điều chỉnh hành vi người tiêu dùng hay không. Mỗi năm chúng tôi đóng thuế trung bình 1.000 tỷ đồng. Nếu bây giờ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến thu nộp ngân sách hàng năm”.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho rằng không có cơ sở khoa học để đánh giá nước giải khát có đường là nguyên nhân của bệnh béo phì. Đường có thể là nguyên nhân, nhưng có rất nhiều nguyên nhân cho bệnh béo phì và nước giải khát có đường với tỷ lệ là 5g cũng chỉ là một phần nhỏ.

Đồng thời, vị này cũng cho rằng “chưa có cơ sở để nói rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thì điều chỉnh được hành vi đối với người tiêu dùng để hạn chế sử dụng”. 

Yếu tố khác được ông Hưng nhắc đến là sự công bằng. Theo dự thảo trước đó thì sữa có đường cũng chịu thuế TTĐB, thế nhưng sau đó đã được bỏ khỏi dự thảo. Do đó nước giải khát có đường cũng cần được bỏ ra. 

“Với các sản phẩm khác có đường thì sao? Có chịu thuế TTĐB hay không?”, ông Hưng đặt câu hỏi. 

“Chúng tôi cần một chính sách, cơ chế công bằng, thuận lợi để chúng tôi phát triển. Ngay cả khi khó khăn chúng tôi cũng sẽ tự vượt qua, không bao giờ đề nghị Nhà nước hỗ trợ giảm thuế, giãn thuế. Điều này dành cho những đối tượng khó khăn khác và chúng tôi sẽ tự lập. Nhưng để chúng tôi tự lập thì chúng tôi cần một cơ chế”, ông Hưng nhấn mạnh. 

Về phía cơ quan nghiên cứu, CIEM cũng đề xuất một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp ngành nước giải khát.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, CIEM đề xuất: Cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục. 

Để điều tiết hành vi tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng đồng thời nhiều công cụ quản lý khác nhau. Trong đó, một trong những công cụ quan trọng là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Cần sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường.

Với Hiệp hội doanh nghiệp, CIEM đề xuất Hiệp hội ngành hàng (cụ thể là Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA)) cần chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo Luật và Các hiệp hội cũng cần hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm; kịp thời thể hiện quan điểm chính sách; phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp ngành nước giải khát, CIEM kiến nghị cần đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ; Cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tiết giảm chi phí.