Cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam khi Trung Quốc lập kỷ lục nhập khẩu mặt hàng này
Loạt quốc gia tăng xuất khẩu vào Trung Quốc
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, giá trị nhập khẩu thuỷ sản cả năm 2023 của Trung Quốc tăng nhẹ 1% nhưng lập kỷ lục mới với 19,23 tỷ USD, mức kim ngạch cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Xét chi tiết từng ngành hàng, khi cua đối mặt với quy định thuế và lệnh cấm từ phương Tây, các nhà xuất khẩu Nga đã phải hạ giá mặt hàng vốn được coi là đắt đỏ; đồng thời "quay xe" tìm các thị trường nhập khẩu mới, trong đó có Trung Quốc. Với giá cua tương đối thấp, 31,47 USD/kg, giảm 24% so với năm 2021 (41,59 USD/kg), Trung Quốc đã không tiếc hầu bao chi 1,6 tỷ USD nhập khẩu 92.936 tấn cua Nga trong năm 2023, tăng 25% về khối lượng và 26% về giá trị so với năm 2022.
Ông Fan Xubing, chuyên gia tư vấn thủy sản ở Bắc Kinh chia sẻ với chuyên trang thuỷ sản Undercurrentnews: “Nga là đất nước sản xuất cua huỳnh đế lớn nhất toàn cầu. Nhưng không may cho Nga, Mỹ và châu Âu đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu, còn Nhật Bản áp khung thuế mới. Do đó, Nga phải nhanh chóng thay đổi chiến thuật từ xuất khẩu cua đông lạnh sang phương Tây, thành xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc và Hàn Quốc”.
Nhập khẩu mực vào Trung Quốc tăng 32% về giá trị và 33% về khối lượng trong năm 2023, chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến tập trung ở các tỉnh ven biển như Sơn Đông, Phúc Kiến, và Chiết Giang.
“Trung Quốc thực sự đã trở thành vựa chế biến mực nang và mực ống của thế giới. Chúng tôi thu mua hàng từ các tàu nội địa đánh bắt ngoài khơi, các tàu nước ngoài, đồng thời nhập khẩu từ các thị trường quốc tế. Hầu hết mực ống nhập khẩu đều được chế biến và tái xuất sang châu Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á”, ông Fan cho hay.
Tính chung cả năm 2023, Trung Quốc chi 1,17 tỷ USD thu mua mực ống, phần lớn trong số đó dùng để chế biến xuất khẩu.
Nhập khẩu tôm hùm Mỹ bất ngờ tăng mạnh 42% về khối lượng, tuy nhiên giá giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu tôm hùm bông giảm 38% về khối lượng, nhưng giá đột ngột tăng 13%.
Theo ông Fan, giữa thời điểm thị trường xôn xao lệnh cấm không chính thức nhập khẩu tôm hùm bông từ Úc, thì “thương mại xám” với Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam tăng cao; nhập khẩu thủy sản có vỏ vào Trung Quốc cũng từ đó tăng theo. Khối lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2023, nhưng giá trị giảm 5%.
Cũng theo thông tin từ Undercurrentnews, sự tăng trưởng trì trệ của nhập khẩu tôm của Trung Quốc nhìn rõ ở 6 tháng cuối năm 2023 khi khối lượng nhập khẩu giảm 10% và giá trị giảm 25%. Các nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc có sự gia tăng về khối lượng nhưng giá trị giảm gồm có Ecuador, Ấn Độ, Argentina, và Thái Lan. Trong đó, khối lượng tôm Ecuador xuất sang Trung Quốc trong cả năm 2023 tăng 23%, giá trung bình giảm 19%.
Tuy cũng là đối tác thương mại tôm lớn của Trung Quốc, nhưng khối lượng xuất khẩu tôm sú của Việt Nam giảm mạnh 72%, giá tăng 23%. Trong 10 nguồn cung của Trung Quốc, Ecuador giành lại vị trí thứ nhất, với giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,56 tỷ USD. Việt Nam rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 8. Canada, Ấn Độ và Mỹ nằm trong top 5.
Ngoài ra, với mặt hàng có giá trị cao như cá hồi, cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhu cầu tiêu thụ cá hồi ở Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2023, đạt 110.000 tấn. Ngoài ra chất lượng thịt cá cũng được chú trọng. Tuy vậy, sức tiêu thụ của Trung Quốc vẫn kém châu Âu và Nam Mỹ.
Cơ hội cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), những năm gần đây, Trung Quốc luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Đây cũng là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Trong đó, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm 30% tổng kim ngạch. Đồng thời nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu nhiều tôm nhất của Việt Nam.
Trao đổi với báo chí hồi cuối năm 2023, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Vasep cho biết, năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc.
Trước tiên, dịch Covid-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản đang hồi phục như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc.
Vị trí địa lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chi phí logistic giảm và ít hơn so với các nước khác. Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…
Một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm, xuất khẩu thủy sản của nước này cũng giảm dần trong những năm gần đây do cả yếu tố Covid-19 và xu hướng chuyển dịch kinh tế.