Cổ phần chuỗi bán lẻ nội giảm sức hút tiền ngoại?

Lợi Hoàng 23:38 | 28/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều năm liền câu chuyện ngành bán lẻ Việt Nam được đưa ra chào mời những tổ chức nước ngoài là dân số đông, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu khi đô thị hóa mở rộng. Hành động của giới đầu tư tài chính cho thấy dường như họ không mấy mặn mà với cổ phiếu bán lẻ.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, sức mua giảm sút, giới đầu tư không mấy mặn mà với ngành bán lẻ là quyết định không mấy khó hiểu. Nhưng luận điểm đưa ra đầu bài viết không chỉ trong ngắn hạn mà dựa trên sự kết nối các sự kiện và hành động của những quỹ đầu tư ngoại trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Thành công của chuỗi bán lẻ như Thế giới di động, PNJ, FPTShop, Việt Nam nở rộ những chuỗi bán lẻ quy mô lớn phủ khắp các ngành như thực phẩm, điện máy, dược phẩm. Nhiều tên tuổi lớn trong nước lấn sân, tạo thêm những mảnh ghép trong hệ sinh thái như Vingroup (VinPro, VinMart), Sơn Kim (GS25), BRG (BRGMart), Novagroup (Nova Commerce).

Những nhà bán lẻ nước ngoài với bề dày kinh nghiệm, tiềm lực vốn lớn không nằm ngoài cuộc chơi như Central Group (Thái Lan), GS25 (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản). Nổi bật nhất phải kể đến động thái từ doanh nhân Thái Lan. Những chuỗi bán lẻ trong nước với quy mô vừa và nhỏ như Lan Chi, Nguyễn Kim hay những trung tâm thương mại lớn liên tục về tay người Thái.

Nhưng ngành bán lẻ không toàn màu hồng, Vingroup "rút chân" sau hai phép thử VinPro, VinMart, chuỗi Viettel Store của Viettel cầm chừng dù gia nhập ngành khá sớm. Những đại gia ngoại lần lượt nhường sân lại như Parkson (Malaysia), Casino Group (Pháp), Auchan (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức).

Còn với những nhà đầu tư tài chính, một thời gian dài cổ phiếu bán lẻ trở thành khẩu vị ưa thích của quỹ ngoại. Những quỹ đầu tư tham gia sớm đã hưởng thành quả với cổ phiếu bán lẻ như Mekong Capital, Pyn Elite Fund, Dragon Capital. Những nhà quản lý quỹ phân bổ tỷ trọng lớn vào những mã trên sàn hoặc tìm kiếm những thương vụ đầu tư trước niêm yết.

Được đánh giá là tiềm năng lớn trong khi lại bị hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các quỹ muốn thực hiện giao dịch phải chấp nhận mức premium tức mức chênh cao hơn biên độ giao dịch trên sàn. Có thời điểm Dragon Capital đưa ra mức premium 45% với cổ phiếu MWG của Thế giới Di động, cao nhất trong số các cổ phiếu bị hạn chế về room.

Quỹ đầu tư Arisaig Asia Consumer Fund (Singapore) mất hơn 1 năm để có thể gom lượng lớn cổ phần, trở thành cổ đông lớn của Thế giới Di động. Tổ chức này thực hiện giao dịch ngoài sàn tức phải chấp nhận mức premium từ bên bán. Tổ chức thoái sạch MWG có Pyn Elite Fund, NTAsian.

Bán lẻ là một ngành ưa thích của Arisaig, quỹ từng phân bổ danh mục đầu tư gần 3 tỷ USD vào hai ngành thương mại điện tử (21%) và bán lẻ (20%). Nhưng từ cuối tháng 7, cá mập có trụ sở tai Singapore này bắt đầu bán ra MWG và không còn là cổ đông lớn. Hiện tượng hở room ngoại hiếm xảy ra với MWG trước đó nhưng kéo dài trong 2 tháng qua khi Arisaig bán.

Quyết định bán trên sàn cổ phiếu MWG thay vì thỏa thuận ngoài sàn qua VSD như trước đó đồng nghĩa rằng người bán chấp nhận mất lợi thế về premium như xưa. Còn theo thống kê của người viết, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng gần 930 tỷ đồng cổ phiếu MWG qua kênh khớp lệnh kể từ đầu năm.

Trước đó, hai công ty quản lý quỹ quen thuộc tại Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital cũng liên tục bán giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail (Mã: FRT) ngay sau khi nhà bán lẻ này lên sàn vào năm 2018, tạo nhịp giảm liên tục trong 3 năm sau đó.

GIC và một số nhà đầu tư Thái Lan xuất hiện trong thương vụ mua 20% cổ phần chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh. Ảnh: MWG.

Ngoài tín hiệu trên, một động thái khác cũng được quan tâm đó là sự xuất hiện của tổ chức, định chế có thể ở vai trò của họ là cho vay, cầm cố (repo), thay vì đầu tư cổ phần (equity).

Đầu năm 2020, Credit Suisse AG chi nhánh Singapore và Ardolis Investment – đại diện cho Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) thoái toàn bộ vốn tại công ty sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart (sau này đổi tên thành WinMart). Hoạt động rút vốn diễn ra chỉ sau ít tháng đầu tư với quy mô khoảng 500 triệu USD.

Mới đây nhất theo nguồn tin độc quyền của Reuters, GIC và một số nhà đầu tư Thái Lan xuất hiện trong thương vụ mua 20% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh. Mức định giá của cả chuỗi trong khoảng 1,5 – 1,7 tỷ USD. Vai trò của GIC trong thương vụ này vẫn còn là ẩn số.

Cách đây hơn 1 năm, thông tin thương vụ bán 20% vốn này đã từng xuất hiện trên thị trường và Thế giới Di động đã lên tiếng phủ nhận. Còn ở điểm hiện tại, thương vụ liệu có thành công cần thêm thời gian để hai bên lên tiếng.

Trở lại với câu chuyện bán hay huy động vốn ở ngành bán, đây không chỉ thách thức với các chuỗi lớn mà còn ở chuỗi quy mô vừa và nhỏ. Giữa năm 2022, CVS Holding (công ty con của Sơn Kim Retail) – đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ GS25 chỉ huy động được một nửa kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Cụ thể, CVS Holding muốn huy động 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 3 năm (giá chuyển đổi 87.900 đồng/cp) với mục đích mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25. Không như kế hoạch, CVS Holdings chỉ phát hành được 106 tỷ đồng, giới chủ vẫn đang sử dụng vốn để tài trợ khi chuỗi này lỗ khoảng 440 tỷ đồng trong 3 năm (2020 – 2022).

Trên đây là thực trạng đầu tư tài chính trong ngành bán lẻ tại Việt Nam. Những gì đang diễn ra hiện nay đang không khớp điểm nhấn đầu tư, định hình một thị trường bán lẻ Việt Nam đầy sôi động, tiềm năng. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, vấn đề này có thể không đến từ bản thân doanh nghiệp hoặc ngành, mà do ảnh hưởng từ dòng vốn trong khu vực và toàn cầu.

Nhìn sang Xứ Chùa Vàng, nơi các doanh nhân vẫn đang sốt sắng với ngành bán lẻ Việt Nam, hoạt động chào bán cũng không mấy thuận lợi. Ông trùm ngành bán lẻ Big C Retail Corp mới đây đã hoãn kế hoạch IPO kép tại Thái Lan và Hong Kong cho tới năm 2024. Trước đó nhà bán lẻ này lên kế hoạch huy động 35 tỷ baht (hơn 1 tỷ USD) từ IPO.