Cổ phiếu Tesla giảm sau khi Elon Musk muốn cắt giảm nhân sự

Lê Thị Xuân Phương 17:15 | 04/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Elon Musk cảm thấy lo lắng về nền kinh tế Mỹ, đồng thời, muốn cắt giảm 10% nhân sự Tesla trên toàn cầu.

Tờ Reuters đưa tin, trong một email gửi cấp dưới hôm 2/6, Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk cho biết ông đang cảm thấy lo lắng về nền kinh tế và tuyên bố sẽ cắt khoảng 10% nhân sự ở mảng sản xuất xe điện. Thay vào đó, ông muốn sử dụng nhiều lao động làm việc theo giờ hơn. Nguyên nhân Musk đề cập trong email là Tesla "đang thừa nhân lực ở nhiều lĩnh vực".

Cổ phiếu Tesla đã giảm 9% vào sáng 3/6 sau khi Elon Musk gửi email này. Theo hồ sơ hàng năm gửi lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), tính đến cuối năm 2021, Tesla có khoảng 99.290 nhân viên.  

Theo CNBC, đáp lại lời than vãn của Elon Musk về nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Joe Biden nói rằng, trong khi Musk lo ngại thì Ford vẫn đang tăng cường đầu tư vào việc chế tạo xe điện mới, tuyển thêm 6.000 nhân viên mới ở Trung Tây. Tổng thống Mỹ cũng khen ngợi tập đoàn Stallantis vì đã đầu tư vào sản xuất xe điện ở Mỹ và đề cao Intel tạo ra thêm 20.000 vị trí công việc mới trong lĩnh vực sản xuất chip máy tính.

Thông điệp của Elon Musk về việc cắt giảm người được truyền đi 2 ngày sau khi vị tỷ phú giàu nhất thế giới yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng, nếu không tuân thủ sẽ bị sa thải. “Toàn bộ nhân viên Tesla phải có ít nhất 40 giờ làm việc tại văn phòng mỗi tuần”, Musk nêu rõ trong email, “Nếu không đảm bảo, chúng tôi buộc phải cho bạn ngừng công việc”. Yêu cầu này ngay lập tức bị phản đối tại Đức, nơi Tesla vừa đưa nhà máy mới vào hoạt động.

Sau thông báo này, Elon Musk vấp phải sự chế giễu từ Scott Farquhar Atlassian Plc trên Twitter rằng chính sách của Musk “giống như quay lại những năm 1950”. 

Vào cuối tháng 5, khi được một người dùng Twitter hỏi liệu nền kinh tế có đang tiến tới suy thoái hay không, Musk nói: "Đúng, nhưng đây thực sự là một điều tốt. Nó đã làm mưa làm gió quá lâu rồi. Một số vụ phá sản cần phải xảy ra."

Lạm phát ở Mỹ hiện cao nhất 40 năm, khiến chi phí sinh hoạt của người Mỹ tăng theo. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đứng trước thách thức khi phải hạ nhiệt lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế.