Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022: Nhóm ngân hàng áp đảo

Đông Bắc 16:20 | 04/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 (VIX50). Trong đó, có tới 14 ngân hàng góp mặt.

Danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 là kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học và độc lập của Vietnam Report, được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Để thực hiện danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 (VIX50), Vietnam Report đánh giá các công ty đại chúng bao gồm cả niêm yết và chưa niêm yết qua hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Lựa chọn công ty đủ tiêu chuẩn xếp hạng. Sàng lọc các công ty đủ tiêu chuẩn xếp hạng theo bốn chỉ số: doanh số, lợi nhuận, tài sản và vốn hóa thị trường tối thiểu 500 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường được tính đến thời điểm ngày 29/4/2022. Theo đó, Vietnam Report tạo 4 danh sách riêng biệt về 100 công ty lớn nhất trong 4 chỉ số trên. Một công ty cần phải thuộc ít nhất một trong bốn danh sách trên để đủ điều kiện xếp hạng.

Giai đoạn 2: Xếp hạng công ty trong Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả. Uy tín và hiệu quả của các DN đại chúng được đánh giá từ góc nhìn của nhà đầu tư, thị trường và chuyên gia, dựa trên hai nhóm tiêu chí chính: Thứ nhất là về quy mô, hiệu quả và triển vọng kinh doanh của DN thể hiện qua các chỉ số như giá trị vốn hóa, doanh thu, lợi nhuận, EPS, ROE, tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận.

Thứ hai là về uy tín truyền thông của DN được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng về 24 tiêu chí truyền thông của mỗi DN. Đồng thời, Vietnam Report phối hợp với các nhóm chuyên gia tài chính và kinh tế ngành để đánh giá bổ sung về: tiềm năng tăng trưởng; mức độ phát triển bền vững; chất lượng quản trị và vị thế trong ngành của mỗi DN đại chúng.

Top 10 của Bảng xếp hạng  Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022.

Theo danh sách công bố, Top 10 của Bảng xếp hạng là Công ty CP Vinhomes; tiếp đến là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát; Công ty CP Tập đoàn Masan; Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).

Như vậy, các ngân hàng đã chiếm 50% Top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022. Nếu tính danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 thì số ngân hàng nằm trong danh sách này lên tới 14 ngân hàng.

Ngoài 5 ngân hàng nằm trong Top 10 nên trên còn có thêm 9 ngân hàng là: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng TMCP Phương Đồng (OCB); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tin (Sacombank).

 

Các ngân hàng nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)?

Theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2021, có nhiều ngân hàng nắm giữ hơn 10.000 tỷ TPDN như TCB (62.808,8 tỷ), MBB (42.368,7 tỷ), VPB (41.608,5 tỷ), STB (23.728 tỷ), TPB (18.621,4 tỷ), BID (14.167,9 tỷ), OCB (13.604,9 tỷ), VCB (11.929,8 tỷ), HDB (10.213,1 tỷ)...

Còn nếu tính đến hết quý I/2022, TCB tiếp tục là nhà băng nắm giữ lượng TPDN lớn nhất (76.783 tỷ đồng, tăng 22,25% so với cuối năm 2021). Tiếp theo là MBB (50.620,6 tỷ đồng, tăng 19,48%), VPB (27.797,8 tỷ đồng, giảm 33,2%), TPB (27.634 tỷ đồng, tăng 48,4%)...

Theo thống kê của PV, có ít nhất 12 ngân hàng ghi nhận lượng TPDN nắm giữ tăng lên trong quý I/2022 so với quý IV/2021. Trong đó đáng chú ý có mức tăng 169,11% của ngân hàng SHB (lên 16.408,9 tỷ đồng), hay mức tăng gần 50% tại các ngân hàng CTB, NAB, TPB.

Theo thống kê, tại một số ngân hàng, lượng TPDN đang nắm giữ chiếm tỷ lệ đáng kể so với tổng tài sản, chẳng hạn TCB (12,48%), TPB (9,13%), MBB (7,8%), OCB (7,4%), NCB (7,15%), VPB (4,93%) hay VBB (4,68%), STB (4,21%)... tính đến hết quý I/2022. Hay PVcomBank (4,47%), BaoVietBank (18,94%)... tính đến cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều ngân hàng mà lượng TPDN đang nắm giữ chỉ chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng tài sản. Chẳng hạn VAB (0,08%), BAV (0,03%) hay LPB (0,007%)...tính đến hết quý I/2022.

Nếu nhìn rộng ra cả hệ thống ngân hàng, mức độ nắm giữ TPDN của các ngân hàng hiện nay nói chung là không quá lớn so với tổng quy mô tài sản, do đó khả năng gây ra rủi ro hệ thống là không lớn. Nhưng do sự liên thông trên thị trường tài chính và huy động vốn, một khi thị trường TPDN xuất hiện vấn đề, ít nhiều sẽ tác động đến ngành ngân hàng trong dài hạn.