Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế

12:50 | 03/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố bản báo cáo tập hợp những phân tích, đánh giá chuyên sâu thông qua 3 kịch bản dự báo về tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị chính sách.

Đây có thể coi là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam.

Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế - ảnh 1
Toàn cảnh buổi Công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế.
Nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã làm việc hết sức khẩn trương trong suốt thời gian từ lúc bắt đầu bùng phát dịch tại Việt Nam, phân tích cho đến nay, với khối lượng dữ liệu lớn từ các bộ, ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và những con số tác động

Báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Tính đến 20/03, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400.000 lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người.

Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế - ảnh 2
Thống kê trong tháng 2/2020 cũng cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế - ảnh 3
Các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Với sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước xhâu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế tác động từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu.

Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, Báo cáo xây dựng một số mô hình định lượng nhằm dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Theo đó, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý III năm 2020.

Vnindex giảm khoảng 28% phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%.

Xuất khẩu giảm từ khoảng 25% trong quý II và phục hồi về mức chỉ 15% trong các quý sau của năm 2020.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch COVID-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế với kịch bản thuận lợi nhất.

Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế - ảnh 4
Điểm sáng và những trụ đỡ cho nền kinh tế

Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố dịch, đặc biệt là những ngành như dịch vụ, du lịch, logistic hoặc những ngành công nghiệp về chế tạo, chế biến, nhưng cũng có những ngành đang có triển vọng rất tốt và vẫn là những điểm sáng, là những trụ đỡ cho nền kinh tế, như lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực.

“Năm nay là một năm vừa được mùa, vừa được giá. Những sản phẩm nông nghiệp cũng đang là những điều kiện để tạo ra sự ổn định cho xã hội, kể cả trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng có những ngành khác, như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, viễn thông. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy mạnh hơn việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào rộng khắp các hoạt động đời sống xã hội và hoạt động quản lý”, PGS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Khuyến nghị chính sách

Báo cáo đã đề cập chi tiết và cụ thể về những khuyến nghị, chính sách, đặc biệt là những khuyến nghị nhằm gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế - ảnh 5
Theo đó, Báo cáo nhấn mạnh: Việc ban hành các chính sách trong bối cảnh này cần ưu tiên hướng vào việc đảm bảo an ninh lương thực và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch.

Các chính sách cũng cần nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các DNNVV trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tầu để từ đó lan sang các khu vực khác.

Đồng thời, có các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng, tránh việc lạm dụng chính sách tiền tệ gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.

Kiến nghị một số giải pháp cụ thể, Báo cáo chia làm các nhóm giải pháp của ngân hàng và các tổ chức tín dụng; giải pháp của Bộ Tài chính cũng như giải pháp hỗ trợ BHXH cho doanh nghiệp và an sinh xã hội.

Đặc biệt, đối với nhóm giải pháp từ các doanh nghiệp, Báo cáo khuyến nghị cần tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo lại nhân lực; phát triển các nguồn nguyên vật liệu trong nước, tìm và thay thế các nguồn nhập khẩu, phát triển các nguồn nguyên liệu và liên kết sâu với các nhà cung ứng nội địa.

Cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố Báo cáo tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế - ảnh 6
Bên cạnh các giải pháp mang tính trước mắt, Báo cáo cũng khuyến nghị chú trọng giải pháp đầu tư, hỗ trợ để tạo ra một sự phát triển bứt phá lâu dài của nền kinh tế, như là đầu tư để tái cấu trúc lại nền kinh tế, tái cấu trúc lại bản thân các doanh nghiệp hoặc tạo ra một sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, từ đó, tạo ra một chuỗi cung ứng và tạo ra được các điều kiện về chất lượng sản phẩm, thay đổi được các thị trường để tiếp cận được thị trường ngay sau khi dịch bệnh được chấm dứt.

“Nếu chúng ta sử dụng một tổng thể những giải pháp này thì một mặt chúng ta sẽ tạo ra các chính sách để tạo ra sự ổn định và tiềm năng phát triển lâu dài của nền kinh tế. Đồng thời cũng là những định hướng cho các doanh nghiệp cần phải có những hành động ngay từ trong giai đoạn đang dịch này để chúng ta đón trước những cơ hội sau khi dịch chấm dứt. Chúng ta sẽ trở lại, tạo ra sự phát triển và bứt phá nhanh hơn”, PGS.TS. Hoàng Văn Cường nói.