“Cỗ xe kinh tế” của Nhật Bản sẽ bứt tốc trong năm 2022?

Đào Tùng 19:00 | 02/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hai năm gặp nhiều khó khăn vì tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, “cỗ xe kinh tế” của Nhật Bản có thể sẽ bứt tốc trong tài khóa 2022 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng cá nhân và sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, khi dịch COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn vẫn tiếp diễn trên thế giới, nguy cơ suy giảm tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục đeo bám nền kinh tế này trong năm nay.

*Những tín hiệu lạc quan

Sau khi sụt giảm kỷ lục 4,5% trong tài khóa 2020 do sự bùng phát của dịch COVID-19, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng trở lại vào mùa Thu năm 2021 nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào đầu tháng Mười.

Trong báo cáo công bố ngày 23/12, Chính phủ Nhật Bản dự báo GDP thực tế của nước này sẽ tăng 2,6% trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) và 3,2% trong tài khóa 2022. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong tài khóa 2022, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% quy mô của nền kinh tế nước này, có thể tăng 4%, trong khi chi tiêu vốn có thể sẽ tăng tới 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu có thể cũng sẽ tăng 5,5% sau khi tăng 11,4% trong tài khóa 2021 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo GDP thực tế của Nhật Bản có thể tăng 3% trong tài khóa 2022. Một số chuyên gia nhận định nền kinh tế Nhật Bản sẽ đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu của năm 2022 nhờ các nhà hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác hoạt động bình thường trở lại và các chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ.

Trước đó, hôm 19/11, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 78.900 tỷ yen (gần 701,3 tỷ USD), lớn nhất từ trước tới nay. Thông qua gói kích thích kinh tế này, chính quyền của Thủ tướng Kishida hy vọng sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời thực hiện cam kết của ông Kishida trong chiến dịch tranh cử Hạ viện là tái phân bổ của cải xã hội thông qua việc tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Để tài trợ gói kích thích kinh tế trên, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 có tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ yen (gần 320 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay. Dự thảo này đã được Quốc hội thông qua hôm 20/12. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách thường niên cho tài khóa 2022 có tổng trị giá cao kỷ lục lên tới 107.600 tỷ yen (khoảng 940 tỷ USD). Chính quyền của Thủ tướng Kishida sẽ đệ trình dự thảo ngân sách này lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 17/1 và hy vọng dự thảo này sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng Ba năm nay.

*Rủi ro vẫn hiện hữu

Mặc dù khá lạc quan về triển vọng của kinh tế Nhật Bản trong năm nay nhưng đa số các chuyên gia đều nhất trí rằng các yếu tố cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong năm 2021 sẽ không hoàn toàn biến mất trong năm nay.

Rủi ro đầu tiên là sự lây lan của biến thể Omicron. Nhật Bản phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vào ngày 30/11 thông qua công tác kiểm dịch ở sân bay. Mặc dù tổng số ca nhiễm Omicron ở Nhật Bản vẫn còn thấp nhưng sự lây lan của biến thể này trong cộng đồng đang có dấu hiệu gia tăng ở các khu vực thành thị, trong đó có thủ đô Tokyo.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính tới ngày 30/12 năm ngoái, biến thể này đã xuất hiện ở 11 trong tổng số 47 tỉnh, thành của nước này, với tổng số người nhiễm là 500. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản đã cảnh báo nước này đang “ở bên bờ vực của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron”. Nếu biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa GDP của Nhật Bản.

Công ty Mizuho Research & Technologies dự báo Nhật Bản sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,7% trong tài khóa 2022 nếu làn sóng lây nhiễm tiếp theo xảy ra vào mùa Hè năm nay và khiến nền kinh tế nước này bị tăng trưởng âm 2,9% trong quý III/2022. Ông Saisuke Sakai, chuyên gia của Mizuho Research & Technologies, nói: "Nếu biến thể Omicron gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 6 (ở Nhật Bản), chúng tôi cho rằng chi tiêu cá nhân sẽ giảm vào đầu năm 2022".

Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 7-9/2021, GDP thực tế của Nhật Bản giảm tới 3,6% so với cùng kỳ năm trước đó do tác động tiêu cực của tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ ban bố để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 5.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Sakai, sự sụt giảm của tiêu dùng cá nhân có thể sẽ thấp hơn so với các làn sóng lây nhiễm trước bởi vì, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy cái gọi là "gói vaccine và xét nghiệm" để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế. Theo đó, những người có giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ không bị hạn chế đi lại và các nhà hàng sẽ được phép phục vụ rượu ngay cả khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu họ thực hiện kiểm tra xem khách hàng có giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Một vấn đề gây quan ngại khác là tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Vào mùa Hè năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phải cắt giảm sản lượng do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á và tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu. Thời gian gần đây, sản lượng ô tô của nước này đang dần phục hồi. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tốc độ phục hồi của ngành chế tạo ô tô có thể sẽ vẫn ở mức khiêm tốn trong năm nay vì nhu cầu chip toàn cầu có thể sẽ tiếp tục vượt xa nguồn cung ngay cả khi tình hình COVID-19 ở Đông Nam Á - trung tâm sản xuất chính của các nhà sản xuất ô tô - cải thiện.

Chuyên gia Yasunari Tanaka của Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) nói: “Ngay cả khi các hãng chế tạo ô tô có thể tăng sản lượng trong thời gian ngắn, họ sẽ rất khó tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đó để khôi phục sản lượng như bình thường”. Theo chuyên gia Tanaka, tình trạng thiếu hụt chip sẽ chỉ được giải quyết vào năm 2023 hoặc sau đó.

Tổ chức World Semiconductor Trade Statistics dự báo nhu cầu chất bán dẫn sẽ tăng 8,8% lên mức cao kỷ lục hơn 600 tỷ USD vào năm 2022 sau khi tăng tới 25,6% trong năm 2021. Tuy nhiên, theo MRI, năng lực sản xuất chip của Nhật Bản đã vượt mức trước đại dịch và còn rất ít dư địa để tăng thêm.

Trong bối cảnh đó, hôm 20/12, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua các dự luật nhằm cho phép Chính phủ hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất vật liệu bán dẫn ở trong nước, qua đó đảm bảo nguồn cung chip ổn định cho các doanh nghiệp nước này. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã dành ra 617 tỷ yen trong ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 cho việc phát triển ngành sản xuất chíp trong nước, trong đó có khoảng 400 tỷ yen hỗ trợ cho tập đoàn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) xây dựng nhà máy ở tỉnh Kumamoto.

Cùng với sự khan hiếm nguồn cung chip, sự giảm giá gần đây của đồng yen là một vấn đề đau đầu khác đối với nền kinh tế Nhật Bản. Theo chuyên gia Tanaka, mặc dù các hãng chế tạo ô tô định hướng xuất khẩu và các công ty liên quan đến chip có thể hưởng lợi từ sự suy yếu gần đây của đồng yen so với đồng bạc xanh của Mỹ, nhưng việc đồng yen giảm giá sẽ tác động tiêu cực tới Nhật Bản do nước này vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như dầu thô. Chuyên gia Tanaka dự báo các doanh nghiệp vận tải và nhà hàng, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, là những đối tượng tiêu thụ dầu thô lớn và có thể vẫn phải chịu áp lực.

Ngoài ra, một vấn đề đáng quan ngại khác của nền kinh tế Nhật Bản là lạm phát vẫn rất thấp ngay cả khi Chính phủ đã tung ra các gói kích cầu khổng lồ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang thực thi chính sách tiền tệ siêu lỏng và giá dầu thô liên tục tăng. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, trong tháng 10/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020 bất chấp giá xăng đã tăng tới 21,4%, mức cao nhất trong hơn 13 năm qua, trong khi giá dầu hỏa tăng tới 25,9% và giá khí đốt cũng tăng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda dự báo lạm phát ở Nhật Bản sẽ chỉ tăng lên khoảng 1% vào giữa năm 2022, thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương này.

Việc lạm phát ở Nhật Bản tăng chậm trái ngược với những diễn biến ở châu Âu và Mỹ, nơi lạm phát tăng cao nhờ sự hồi phục của các hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch. Nếu lạm phát vẫn ở mức thấp, nó sẽ gây khó khăn cho việc thực thi chính sách tiền tệ của BoJ.

Nói tóm lại, mặc dù đa số các chuyên gia đều nhất trí rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào đầu năm 2022, nhưng sẽ mất cả năm hoặc lâu hơn để nền kinh tế này trở lại mức đỉnh gần đây được ghi nhận vào quý II/2019 trước khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào cuối năm 2019. Vì vậy, chuyên gia Sakai nhận định đối với năm 2022, mục tiêu chính của nền kinh tế Nhật Bản sẽ là đạt được trạng thái bình thường mới với dịch COVID-19, tức là đạt được sự cân bằng giữa duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.