Con đường khởi nghiệp và cú "rẽ ngang" sang Teccombank của ông Hồ Hùng Anh

19:05 | 27/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chắc chẳng ai xa lạ với vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng Techcombank. Ông chính là là tỷ phú Việt Nam thứ 5 lọt vào top tỷ phú giàu có nhất trên sàn chứng khoán được Forbes chứng nhận. Dưới sự điều hành của ông, Techcombank đã có nhiều biến đổi tích cực trong thời gian gần đây.

Ông Hồ Hùng Anh sinh ngày 8/6/1970 tại Hà Nội. Năm 1987, ông thi đỗ vào khóa 22 đào tạo Kỹ sư tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Với bảng thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, ông đã được Bộ Quốc Phòng gửi sang du học ngành kỹ thuật quân sự tại Liên Xô. Sau đó, ông đã chuyển sang theo học ngành kỹ sư điện tử tại trường đại học Bách Khoa Kiev, Ukraine. 

Con đường khởi nghiệp từ bán mỳ gói tại Nga

Vị Chủ tịch đương nhiệm của Techcombank đã khẳng định mình là một người tài giỏi ngay từ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường với loạt thành tích xuất sắc. Quá trình khởi nghiệp của ông bắt đầu được thực hiện ở tại Liên Bang Nga. Khi khởi nghiệp tại thị trường Nga, ông Hùng Anh đã lựa chọn lĩnh vực mì gói và tương ớt để bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình. Buổi đầu sự nghiệp ông bắt đầu với Công ty SANMEX tại Cộng Hòa Liên Bang Nga và thu được nhiều lợi nhuận bằng con đường bán mỳ này. 

Chân dung Chủ tịch HĐQT của Techcombank

Ông cũng là một trong những người sáng lập nên Công ty MASAN RUS TRADING, tiền thân của  Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan nổi tiếng của một vị tỷ phú USD khác: Nguyễn Đăng Quang. 

Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sự nghiệp của ông lại rẽ sang một hướng khác với ngành ngân hàng. 

Dẫn dắt Techcombank "lột xác" 

Sau khi đã có được nhiều thành công ban đầu tại Đông Âu, ông tiếp tục về Việt Nam và hỗ trợ xây dựng Masan với loạt chức vụ quan trọng tại công ty trong những năm tháng khởi đầu. 

Năm 2005, ông Hùng Anh quyết định tham gia vào hội đồng quản trị ngân hàng Techcombank. Đến tháng 5 năm 2008 ông đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam – Techcombank. 

Đến tháng 4/2018, khi luật của các tổ chức tín dụng sửa đổi yêu cầu “một cá nhân không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp” thì ông đã quyết định từ bỏ mọi chức vụ tại Masan sau 10 đồng hành và gắn bó để tập trung cho Techcombank.

Techcombank đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc từ khi ông Hồ Hùng Anh gia nhập và nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT

Đây đó thể nói là bước ngoặt để giúp ngân hàng Techcombank chuyển mình và phát triển bứt phá đáng kinh ngạc. 

Sau hơn 10 năm dẫn dắt, ông đã đưa Techcombank đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam đạt mức lợi nhuận sau thuế đến 10.000 tỷ đồng. Đến năm 2018, tròn 10 năm ông gia nhập ngân hàng thì lợi nhuận trước thuế của tổ chức tín dụng này đạt được là 10.661 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này tăng 86% so với năm 2013, xếp thứ 2 trong các ngân hàng tại Việt Nam chỉ đứng sau ngân hàng Vietcombank.

Chính sự tăng trưởng đó đã giúp ngân hàng Techcombank được chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Quá trình này đã giúp ngân hàng huy động được 923 triệu USD về Techcombank, cao thứ 2 trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về. 

Trong thời gian gần đây, ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng thì ngân hàng vẫn được đánh giá cao và dự đoán sẽ giữ vững vị thế trong thời gian sắp tới. 

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Mỹ S&P nhận định rằng Techcombank là một trong những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam nhờ tệp khách hàng rộng lớn, chất lượng dịch vụ tốt, hiệu quả và nhiều dịch vụ sản phẩm riêng biệt. 6 tháng đầu năm 2021,  lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 11.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 71% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt trên 18.100 tỷ đồng, tăng hơn 52%. Trong đó, thu nhập từ lãi chiếm 12.700 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM) đạt 5,6%, nằm trong top cao nhất toàn ngành. 

Techcombank tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng ở các mặt tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và  tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản. Đồng thời, Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2021 đạt mức 15,2%, cao hơn nhiều so với mức tối theo 8% theo quy định. 

Bí quyết nằm ở chiến lược tập trung cho vay mảng bán lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho ngân hàng khi rủi ro sẽ được phân tán với việc cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng dịch vụ tín dụng của mình. 

Bản thân ông Hùng Anh cũng nhiều lần khẳng định rằng, Techcombank sẽ tập trung lựa chọn vào khách hàng lớn, có uy tín và tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt nhất trên thị trường. Việc thận trọng trong vấn đề lựa chọn khách hàng, dù khách hàng không nhiều nhưng chất lượng, không dàn trải sẽ giúp việc kiểm soát và đảm bảo rủi ro tốt hơn. 

Từ những kết quả tích cực về mặt kinh doanh, mới đây The Asian Banker đã vinh danh Techcombank là “Ngân hàng bán lẻ được tin dùng nhất” tại Việt Nam và là ngân hàng Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, ngân hàng cũng được nhận danh hiệu “Ngân hàng cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng doah nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam năm 2020”, “Ngân hàng cung cấp sản phẩm cho vay mua nhà tốt nhất Việt Nam năm 2020” từ tổ chức này.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng này cũng được Euromoney trao giải “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2018, 2021 và được FinanceAsia vinh danh “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2020, 2021. 

Hiện tại, để duy trì thành tích đáng nể và đáp ứng trải nghiệm của khách hàng, Techcombank sẽ tiếp tục nỗ lực đa dạng nguồn thu và đẩy mạnh số hóa để cung ứng dịch vụ tài chính số tốt nhất đến người dùng, đồng thời tuân thủ cao nhất quy định về bảo mật và an toàn.

Tài sản của Chủ tịch HĐQT Techcombank đến từ đâu?

Dù nắm chức vụ hàng đầu tại ngân hàng nhưng ông Hùng Anh  chỉ nắm giữ 1,12% cổ phần tại Techcombank. Tuy nhiên, đáng chú ý thành viên trong gia đình ông lại nắm giữ tới 17% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngoài số cổ phần được quy đổi ra giá trị tài sản tại ngân hàng hiện tại thì Chủ tịch Techcombank vẫn nắm giữ tới 48% cổ phần. Số tài sản này là thu nhập chính giúp ông có được danh hiệu tỷ phú đô la. Nhiều nguồn thông tin cho biết, ông và "sếp cũ" là ông Nguyên Đăng Quang - Chủ tịch của tập đoàn Masan chính là 2 cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Theo chiều ngược lại, Masan cũng nắm giữ 15% cổ phần tại Techcombank. Tính đến ngày 27/9, theo tạp chí danh tiếng Forbes thì ông Hồ Hùng Anh có tổng tài sản lên đến 2,2 tỷ USD và xếp hạng 1931 trên thế giới. 

 

Techcombank và mối quan hệ mật thiết với Masan

Ông Hồ Hùng Anh khởi nghiệp cùng ông Nguyễn Đăng Quang tại Đông Âu, đồng thời từng nắm vai trò quan trọng tại Masan cho nên không khó hiểu doanh nghiệp này là khách hàng thân thiết, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển của Techcombank. 

Mới đây, ban lãnh đạo Techcombank đã phê duyệt cấp khoản tín dụng lên đến 1.150 tỷ đồng và hợp đồng thấu chi cho Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce và Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco. Cả 2 công ty này đều là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan. 

Ngân hàng cũng đóng vai trò phê duyệt cấp khoản tín dụng bảo lãnh với Công ty CP Mobicast mới được Masan thâu tóm với hơn 450 tỷ đồng. Thời hạn bảo lãnh tối đa 36 tháng kể từ ngày bảo lãnh thanh toán có hiệu lực. Khoản bảo lãnh thanh toán trên không có tài sản bảo đảm nhưng được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) cho toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà Mobicas phát sinh tại Techcombank từ món bảo lãnh này.

Theo Tạp chí Nhà Quản lý, tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2021, Techcombank nắm giữ 754 tỷ đồng trái phiếu của của Masan và các công ty liên quan. Trong đó, lượng trái phiếu của Masan là 322 tỷ cùng với 6,5 tỷ lãi phải thu; lượng trái phiếu của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo - công ty con của Masan) là hơn 204 tỷ và 3,6 tỷ lãi phải thu; lượng trái phiếu của Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan (công ty con của Masan) là hơn 217 tỷ và 621 triệu lãi phải thu. Đồng thời cũng có 1 khoản vay của Núi Pháo tại Techcombank với dư nợ gốc đến hết quý 2 là 1.209 tỷ đồng, lãi phải trả hơn 620 triệu.