Còn nhiều khó khăn trong tập trung, tích tụ đất

06:41 | 26/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo Tổng cục Quản lý Đất đai, trong thời gian thực hiện Luật Đất đai 2013, qua thực tiễn các địa phương và phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan việc thi hành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó cũng là lý do sớm cần sửa đổi.

Để việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp và tạo điều kiện để sử dụng nguồn lực đất đai một cách hiệu quả, tiết kiệm và thuận lợi cho người sử dụng đất. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp các dự thảo nghị định về đất đai”.

Nhìn nhận về việc thực hiện Luật Đất đai, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trong xử lý đất đai đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt, quá trình tích tụ đất đai còn khó khăn, quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô lớn.

Còn nhiều khó khăn trong tập trung, tích tụ đất - ảnh 1
 Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp các dự thảo nghị định về đất đai”.
Bên cạnh đó, theo bà Mỹ, việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, cũng cần thiết phải rà soát lại các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Bàn sâu hơn về vấn đề tích tụ ruộng đất, bà Đặng Thị Bích Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu ý kiến, qua tổng hợp các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, có tình trạng tích tụ ruộng đất giữa các nông hộ trên cả nước, chủ yếu với đất trồng cây lâu năm. Đất trồng lúa được tích tụ khá mạnh ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nhìn chung, quá trình tích tụ diễn ra còn chậm. Thị trường mua, bán, thuê và cho thuê ruộng đất ở Việt Nam còn kém phát triển do thiếu cầu, mặc dù lượng cung khá cao. Điều này có thể do lợi tức ngành nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao dẫn đến thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Các nông hộ, đặc biệt là ở khu vực phía nam đang có xu hướng tích tụ và tập trung ruộng đất để sử dụng “lợi thế kinh tế theo quy mô”. Tuy nhiên, tốc độ tích tụ và tập trung còn chậm do nhiều yếu tố như: Lợi tức từ canh tác nông nghiệp, việc chuyển đổi nghề nghiệp nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, yếu tố văn hóa và lịch sử, chính sách về quyền đất đai, bao gồm thời hạn sử dụng đất (để người dân an tâm canh tác và mua, bán, cho thuê ruộng đất).
Đồng thời, do sự can thiệp hành chính của Nhà nước như: Chính sách dồn điền đổi thửa, thu hồi đất làm khu công nghiệp công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cánh đồng lớn, thuê đất của dân cho doanh nghiệp thuê lại… làm cho tích tụ đất đai bị chậm.
Còn nhiều khó khăn trong tập trung, tích tụ đất - ảnh 2
 Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại Hậu Giang.
Ở góc độ nghiên cứu, bà Thảo cho rằng, sửa đổi nội dung các quy định, nghị định về đất đai cần thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền đất đai của người dân, đảm bảo thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hợp lý. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích kinh tế nông hộ trong nông nghiệp (thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp), hạn chế các can thiệp hành chính phi thị trường và tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang các ngành công nghiệp và nông nghiệp một cách bền vững.
Ngoài ra, cần thực hiện các chính sách phát triển kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho ngành nông nghiệp như chính sách thúc đẩy đầu tư, ưu đãi tín dụng, bảo hiểm, đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp…
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Thực chất dự thảo nghị định tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp chỉ tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp đang thực hiện, đối với doanh nghiệp sắp triển khai trong thời gian tới sẽ khó. Bởi, muốn tích tụ phải có quy hoạch từ cấp tỉnh, tức là tỉnh phải xây dựng hình thành quỹ đất để tích tụ và tập trung. Trên thực tế, dù Nhà nước không có chủ trương nhưng trong định hướng phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn có nhu cầu dồn điền đổi thửa với diện tích hàng trăm héc ta phải tự đàm phán với nông dân, chính quyền không tham gia.
Thêm nữa, bà Liên cho rằng, theo Điều 13 dự thảo quy định nhà đầu tư phải trích lập Quỹ dự phòng tài chính (dự kiến 1% doanh thu) dùng để bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình kinh doanh sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng trích lập trong chi phí; sử dụng cho các mục đích khác theo quy định của pháp luật. Nhưng việc trích lập như trên là không khả thi vì cơ quan thuế sẽ không đồng tình để doanh nghiệp có doanh thu 1.5000 tỷ đồng trích 1% để lập Quỹ dự phòng tài chính. Tiền thuê đất chỉ là một phần, doanh thu của doanh nghiệp được tạo ra từ nhiều hoạt động. Quy định như vậy là mâu thuẫn với thuế TNDN.
Bà Trần Kim Liên Phương góp ý thêm, dự thảo nghị định cần quy định cụ thể phương thức tích tụ ruộng đất, nhất là đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Hiện Luật Đầu tư đang có những vùng cấm đối với doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp nước ngoài muốn thuê đất để sản xuất nhưng không được phép.