COVID-19 khiến ‘khẩu vị’ dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam thay đổi ra sao?

19:28 | 19/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của dòng vốn từ Hàn Quốc, bao gồm cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và dòng vốn đầu tư gián tiếp
Vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Tính đến tháng 10/2020, Hàn Quốc đã có khoảng 8.900 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70,4 tỷ USD. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2020, Hàn Quốc đã có khoảng 8.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.
 

Vị thế dẫn đầu

 

Hàn Quốc đang ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, với lý do không chỉ vì số lượng vốn lớn, mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam.
 
Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2,1% và nhập khẩu đạt 33 tỷ USD, giảm 6,5%. Đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. 
 
COVID-19 khiến ‘khẩu vị’ dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam thay đổi ra sao? - ảnh 1
 
Nói tới doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam không thể không kể tới Samsung. Tính tới cuối năm 2019, Samsung Việt Nam cho biết, đã giải ngân 94% trong tổng số vốn đăng ký với Chính phủ Việt Nam là 17,3 tỷ USD. Hiện tập đoàn này có 3 cơ sở ở Việt Nam là Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP. HCM, trong đó cơ sở ở Thái Nguyên là nhà máy rộng nhất với 60.000 công nhân. Ngoài ra, cuối tháng 2/2020, Samsung dự kiến khởi công xây dựng Trung tâm R&D với quy mô không gian làm việc cho 3.000 người ở Đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) và là cơ sở R&D lớn nhất Đông Nam Á của mình.
 
Một trong những dự án tiêu biểu của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2019 là Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD (tương đương khoảng 9.600 tỷ đồng). Dự án được thực hiện trên tổng diện tích đất 125 ha (trong đó 22,5 ha là diện tích hồ điều hòa do TP. Hà Nội đầu tư).
 
Ngoài ra, Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD. Dự án này được khởi công vào tháng 6/2016, tổng vốn đầu tư đăng kí 1,5 tỷ USD do Tập đoàn LG Displays (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
 
Cũng tương tự, nếu nhìn vào các dự án quy mô lớn mà Posco, Hyundai, Lotte… đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án này đã tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Hàng chục nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD đã theo chân Samsung, LG để đặt đại bản doanh tại Việt Nam.
 

Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, bất động sản đến tài chính ngân hàng, startups đến cổ phần hóa DNNN, logistics đến dịch vụ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, xuất khẩu, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

FDI Hàn Quốc có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu… phát triển.

COVID-19 khiến ‘khẩu vị’ dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam thay đổi ra sao? - ảnh 2

Trong lĩnh vực công nghiệp, sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, LG (lĩnh vực công nghiệp chế tạo), Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco (lĩnh vực công nghiệp nặng và đóng tàu) đã có tác động quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển; đặc biệt là các lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện - điện tử, dệt may - da giày…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, FDI Hàn Quốc cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, góp phần bước đầu thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống bằng các phương thức sản xuất mới quy mô lớn hơn, tiếp thu và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của hàng hóa nông lâm thủy sản, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương, nhất là các dự án có đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.

Lĩnh vực xuất – nhập khẩu, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu, giúp chúng ta từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch từ đa phần xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm nông lâm thủy sản sơ chế và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng điện tử, cơ khí chế tạo, nông lâm thủy sản chế biến sâu và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.

Vốn FDI của Hàn Quốc tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU…; đồng thời, còn góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường nội đại các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất thay vì phải nhập khẩu như trước đây.

Ngoài ra, nhờ có sự hiện diện của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã làm gia tăng sự quan tâm của người dân Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam. Việt Nam đã trở thành điểm đến được nhiều người dân Hàn Quốc lựa chọn ở Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy ngành du lịch trong nước phát triển.

 

Hậu COVID-19: Đổi khẩu vị thay đổi, tài chính - ngân hàng đang được quan tâm


Dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn. Hai giai đoạn trước gắn với dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Đến giai đoạn 3, đầu tư từ Hàn Quốc có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam là lý do khiến các ngân hàng xứ Hàn mong muốn mở chi nhánh tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ ngân hàng, mà các công ty chứng khoán Hàn Quốc cũng không ngừng hiện diện tại Việt Nam.

Cuối tháng 8/2020, Công ty Chứng khoán JB Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đây là công ty chứng khoán thứ 7 của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam, sau một loạt tên tuổi khác, như KIS, Mirae Asset, KBSV, Shinhan, Pinetree…

ngày càng nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng và tài chính của Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam. Quy mô dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc cũng ngày càng tăng, không chỉ các tập đoàn lớn, mà những doanh nghiệp nhỏ hay start-up của Hàn Quốc cũng đã đặt chân đến thị trường Việt Nam.

COVID-19 khiến ‘khẩu vị’ dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam thay đổi ra sao? - ảnh 3

Riêng với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực chưa hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này, đại diện Korcham khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách cởi mở để phát triển fintech rộng rãi và nếu xảy ra “vấn đề” thì tìm cách xử lý, điều chỉnh pháp luật để quản lý.

Dưới góc nhìn của những nhà đầu tư xứ Kim Chi, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại có nhiều nét tương đồng với thị trường chứng khoán Hàn Quốc 20 - 30 năm trước, tức là đang ở quãng đầu của giai đoạn tăng trưởng mạnh. Vì vậy, họ chọn mua những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, nắm giữ trong thời gian dài, ít khi đầu tư theo kiểu lướt sóng.

Nguyên nhân của xu hướng trên, đến từ cả từ hai phía. Ở phía Hàn Quốc là nhu cầu đầu tư ra các thị trường mới nổi gia tăng trong bối cảnh các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong nước dần trở nên khan hiếm. Còn ở phía Việt Nam là các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của Chính phủ, cùng sức hấp dẫn riêng của một nền kinh tế năng động và tăng trưởng ổn định.

Xét riêng ở phân khúc đầu tư gián tiếp, ví dụ về một số thương vụ góp vốn mua cổ phần điển hình như thương vụ SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV… Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc sang Việt Nam cũng đã có sự gia tăng nhất định trong giai đoạn vừa qua.

Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỉ USD.

Sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính trước mắt nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cho chính các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Đây đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp.

Vì vậy, tài chính - ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới với bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khi tỉ trọng đóng góp của các doanh nghiệp này vượt trên 30% quy mô nền kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới bất ổn, thương chiến leo thang trên thế giới, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Các dòng đầu tư đang tìm cách chuyển hướng, tìm nơi trú ẩn mới.

Trong 10 tháng năm 2020, Hàn Quốc đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, với 3,42 tỷ USD, đứng sau Singapore với 7,51 tỷ USD. Việc có một dự án điện khí 4 tỷ USD khiến Singapore dễ dàng vượt lên dẫn đầu. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới, thì Hàn Quốc vẫn đứng ngôi vị quán quân, với 528 dự án. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đứng đầu về số lượt góp vốn, mua cổ phần, với 1.626 lượt trong 10 tháng qua.

Xem Thêm: Hơn 6.300 dự án FDI, Hàn Quốc đang đầu tư vào nông nghiệp thông minh tại Việt Nam ra sao?

Nguyễn Dung(t/h)