Cùng là Trung Quốc sản xuất: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khác đường sắt Thượng Hải như thế nào?
Ý tưởng thực hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông xuất hiện từ năm 2003, khi Hà Đông vẫn còn là trung tâm của tỉnh Hà Tây, là thành phố gần Hà Nội nhất, và hướng đi Hà Đông lại khó mở rộng do vướng các công trình hai bên đường Nguyễn Trãi.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng là cầu nối liên kết vùng, để giải quyết áp lực giao thông và áp lực dân số của hai thành phố. Tháng 10 năm 2004, Văn phòng Chính phủ phê duyệt thoả thuận hợp tác xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội - Hà Đông giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc.
Tháng 7 năm 2008, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông. Tháng 12 cùng năm, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kế hoạch đấu thầu dự án Cát Linh - Hà Đông mà Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị.
Dự án đường sắt Cát Linh được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2011, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (8.770 tỷ VND), trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ RMB (169 triệu USD).
Còn hệ thống đường sắt nội thành Thượng Hải được xây dựng từ năm 1993. Trải qua 28 năm xây dựng và mở rộng, hiện tại Thượng Hải là thành phố có hệ thống đường sắt nội thành lớn nhất thế giới. Nhìn lại lịch sử, vào tháng 10 năm 1992, tàu đầu tiên của Metro Thượng Hải có xuất xứ từ Đức. Năm 2007, số đoàn tàu vượt 1.000 toa; đến cuối năm 2009, số đoàn tàu tăng gấp đôi lên 2.000 toa. Vào mùa hè năm 2012, tàu điện ngầm Thượng Hải có tàu thứ 3.000.
Cuối năm 2016, tàu thứ 4.000 được đưa vào chạy trong giai đoạn 3 của tuyến số 9. Vào tháng 7 năm 2018, toa tàu điện ngầm thứ 5.000 của Metro Thượng Hải đã được khánh thành tại ga Beidi của Tuyến số 2. Tháng 5/2020, toa tàu điện ngầm thứ 6.000 đã khánh thành ga Zhibei của Tuyến 16. Đến cuối năm Thượng Hải có 7.000 toa tàu, tức là 1.000 toa tàu điện ngầm đã được bổ sung chỉ trong hơn nửa năm. Đây là con số lịch sử trong ngành đường sắt đô thị của thế giới.
Theo phân tích thống kê, độ tin cậy của những tàu mới của Metro Thượng Hải trong những năm gần đây cao hơn gấp 5-6 lần so với tàu cũ, ví dụ như cửa tàu. Trong năm 2016, tổng số lần hỏng cửa trên các đoàn tàu của toàn mạng lưới là 951 lần. Vào năm 2020, khi số lượng đoàn tàu trên toàn mạng lưới tăng gấp đôi, tổng số lần hỏng cửa giảm xuống 478 lần, giảm 49,7%. Đồng thời, tỷ lệ phát hiện lỗi bảo dưỡng cũng đạt 92%.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, mỗi tàu có 4 toa, khổ đường sắt 1,435m. Ảnh: Hà Nội Mới.
Tàu thuộc tuyến đường sắt số 15 của thành phố Thượng Hải. Sau khi đưa tuyến 15 vào khai thác, Thượng Hải trở thành thành phố có hệ thống metro lớn nhất thế giới. Tàu của tuyến 15 là tàu chạy hoàn toàn tự động.
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm. Toàn tuyến có hàng trăm lao động phục vụ. Đương nhiên tính tự động hóa thua kém đường sắt Thượng Hải. Ảnh: Vietnammoi.
Tàu thuộc tuyến 3 đường sắt Thượng Hải. Ảnh: ChinaAirlineTravel.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhìn từ trên cao. Có thể thấy đường sắt đô thị Thượng Hải thẳng thớm, chứ không nhiều "khúc gồ mềm mại, lên thác xuống ghềnh" như đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Laodong.
Đường sắt Thượng Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: Sina.
Ga Cát Linh Hà Đông. Đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông ít toa hơn đoàn tàu đường sắt Thượng Hải. Lý do vì chủ đầu tư có thể tính toán lượng khách đi lại ít hơn và tuyến cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, cùng với việc đội vốn, đoàn tàu ngắn hơn, đông nhân sự phục vụ hơn khiến bình quân chi phí vận hành của đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ cao hơn đường sắt Thượng Hải. Ảnh: Vietnamnet.
Đoàn tàu tuyến 11 tại Thượng Hải. Ảnh: Photostock.
Trong khoang tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Danviet.
Bên trong khoang tàu tuyến 11 tại Thượng Hải. Do đặc tính phục vụ công cộng, nên có thể thấy nội thất tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tàu Thượng Hải khá tương đồng, hiểu theo nghĩa đơn giản. Ảnh: DisneyBranding.
Một góc sân ga tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Báo Giao Thông.
Sân ga hoành tráng tuyến 15 tại Thượng Hải. Nhìn có thể thấy nhà ga đường sắt Thượng Hải rộng và sang trọng hơn so với ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông Ảnh: Shine.
Trạm soát vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Vietnamnet.
Trạm soát vé của đường sắt Thượng Hải. Ảnh: Dreamtimes.
Tiệp Nguyễn