Cuộc di cư lịch sử bởi dịch Covid-19 ở TPHCM: Nhiều nỗi niềm!

16:12 | 30/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch Covid-19 khiến cuộc sống mưu sinh của người dân các tỉnh sống tại Sài Gòn vô cùng chật vật, họ buộc phải rời thành phố bằng nhiều con đường khác nhau.

Từ những chuyến tàu đến cuộc di dời trên xe máy

Những ngày tháng kiếm sống khó khăn hiện ra kể từ khi dịch bệnh bùng phát khiến nhiều sinh sống nhiều năm tại Tp.HCM không còn cách nào khác buộc phải rời quê hương thứ hai Sài Gòn bằng nhiều con đường khác nhau. 

Nhiều người chọn con đường về quê nhà bằng tàu hỏa. Một loạt những tỉnh thông báo sẵn sàng đón người dân như: 384 người dân về Quảng Trị trên chuyến tàu số hiệu SE74, 720 người Hà Tĩnh đã được bố trí vé miễn phí lên tàu tại ga Sài Gòn, hay chiều 28/7 hàng trăm người dân cũng lên tàu về quê tránh dịch...

Trả lời với báo chí, cảm xúc chung của nhiều người đó là đau đớn, buồn bã khi chứng kiến thành phố mà mình sinh sống nhiều năm bị cơn bão Covid-19 càn quét. Một người dân chia sẻ với tờ Tuổi trẻ trong nước mắt: "Mình muốn về quê để an toàn, nhưng mình thương Sài Gòn nhiều lắm". 

Cuộc di cư lịch sử bởi dịch Covid-19 ở TPHCM: Nhiều nỗi niềm! - ảnh 1

Những chuyến tàu chia tay Sài Gòn chứa nỗi buồn và nước mắt. Ảnh: TTXVN

Số khác lại lo lắng về tương lai bất định sau khi rời thành phố bởi chẳng biết làm gì khi về quê nhà trong khi dịch bệnh chẳng biết khi nào mới kết thúc. 

Ngoài những chuyến tàu hỏa, nhiều cuộc "hồi hương" còn diễn theo từng đoàn trên những chiếc xe máy. Kéo theo đó là những khuôn hốc hác, mệt mỏi, đỏ mắt, ngồi vạ vật nằm nghỉ trên những tuyến đường quốc lộ. 

Chia sẻ của một người dân với các phóng viên khiến nhiều người không khỏi thương cảm: "Tụi em không còn lựa chọn nữa. Ở lại thì không có cái ăn, công việc cũng mất. Đi ra đặt mua vé tàu xe để về thì tàu xe cũng không có. Mấy anh em buộc lòng phải đi xe máy dù rất nguy hiểm". 

Được biết, để được về quê tránh dịch thì người dân cũng phải chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, đứng giãn cách 2m làm thủ tục, xét nghiệm trước khi lên những chuyến tàu, xe khách. 

Đối với những đoàn hành hương trên xe máy, nhiều người nhận được lương thực, nước uống cùng lời động viên từ những chiến sỹ cảnh sát, đoàn tiếp tế trên đường. 

Hy vọng và cầu mong Sài Gòn sớm khỏe để người dân có thể trở lại trong thời gian tới. 

Nhưng cũng cần cảnh giác với dịch bệnh

Tuy nhiên, những dòng người tràn về từ các địa phương vùng dịch vẫn có khả năng có những F0 chưa được phát hiện bên trong. Theo các chuyên gia cần cảnh giác với điều này, không kiểm soát chặt không chừng sẽ "toang" tại các địa phương đón người về quê. 

Chắc chắn dư luận vẫn chưa quên hình ảnh đoàn người từ vùng dịch, lại đông đúc, gần sát vào nhau, chen chúc ở các điểm chốt chặn kiểm tra giấy tờ. Đây là hiện tượng bất thường và nguy hiểm bởi những quy định về giãn cách gần như bị bỏ qua và là môi trường hoàn hảo cho sự phát tán của dịch bệnh. 

Cuộc di cư lịch sử bởi dịch Covid-19 ở TPHCM: Nhiều nỗi niềm! - ảnh 2

Đoàn xe máy về quê gây ùn tắc khi qua chốt Cai Chanh của tỉnh Đắk Nông gây xôn xao dư luận. Ảnh: Báo Lao Động

Nếu trong những đoàn người kia mà có F0 thì hậu quả thật khó lường. Trong ngày 25/7, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo có 2 ca COVID-19, đây là hai người đi xe máy từ Tp.HCM trở về Huế vào ngày 22.7, có khai báo và cách ly tập trung. Tính trong mấy ngày qua, Thừa Thiên - Huế có 5 F0, đều từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về. Riêng trong ngày 24.7, tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển vào khu cách ly 343 người.

Giờ đây, câu hỏi sẽ được đặt ra là trong hàng ngàn người từ TPHCM và các tỉnh phía Nam, có bao nhiêu người về đến quê mà tự giác khai báo để được đưa đi cách ly tập trung? Số lượng người lọt qua các hàng rào kiểm soát và không cách ly là bao nhiêu? Đây chính là viễn cảnh làm các chuyên gia y tế phải lo lắng và "toát mồ hôi" trong những ngày sắp tới. 

Bên cạnh đó, năng lực y tế của nhiều địa phương còn tồn tại nhiều hạn chế. Việc tổ chức cách ly F1, điều trị F0 đều chỉ ở mức nhất định. Nếu tình huống có quá nhiều F0 xuất hiện thì chỉ cần 1.000 ca là đuối sức, kiệt quệ các nguồn lực. Chưa kể, ngành y tế địa phương còn phải chăm sóc bệnh nhân của nhiều loại bệnh khác, đâu chỉ riêng những người bị nhiễm Covid-19. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trả lời VnExpress thì không nên để người dân về quê một cách tự phát, đi xe máy cả trăm km, và có thể  tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có thể bị lây nhiễm trên đường đi, hoặc lây nhiễm cho người khác. 

Ông Thu cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên ưu tiên phối hợp, đưa người dân về, có thể bằng máy bay, tàu hoả, xe khách. Nếu người dân về quê bằng xe máy cần có công an dẫn đường. 

Còn nhiều ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh hiện tại thì cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 là ai ở yên đó, không di chuyển, vì trong thời gian qua theo ghi nhận và phản ánh của báo chí thì quy định này đã không được chấp hành nghiêm.

Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi cho người cho người dân từ Sài Gòn về địa phương

Văn bản 4777/VPCP-QHĐP ngày 15/7/2021 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau trong đó nhấn mạnh: 

Tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về các địa phương và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; không để tình trạng phải chờ đợi, quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân; có kế hoạch cụ thể bố trí chuyên chở, thực hiện các quy định về cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho người lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

H.S 

Xem thêm: Hướng dẫn người dân Thanh Hóa ở TPHCM về quê