Cuộc đua 14 tỷ USD đắt đỏ vào nhà Trắng lấy kinh phí từ đâu?
Cuộc đua vào nhà Trắng của Tổng thống Trump và ông Joe Biden năm 2020 được đánh giá là một trong những cuộc đua đắt đỏ nhất,vì vậy có không ít thắc mắc với số tiền 14 tỷ USD được lấy từ nguồn nào?
Theo New York Times số tiền dành cho các cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2020 lên tới 14 tỉ USD, hơn gấp đôi so với cùng kỳ 4 năm trước, theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị (CRP).
Số tiền được lấy từ nguồn nào?
Theo trang OpenSecrets, ngày nay số tiền sử dụng để tranh cử đến từ 4 nguồn chính: Các cá nhân nhỏ lẻ với mức quyên góp từ 200 USD trở xuống, các nhà hảo tâm quyên nhiều tiền hơn (trên 200 USD), thông qua ủy ban quyên góp, và cuối cùng là tự bỏ tiền túi của ứng viên. Ngoài ra còn có một số con đường khác, như lãi cổ tức, lãi tiền gửi hay bất kỳ khoản thu ra tiền.
Theo số liệu do Viện Vận động Tài chính (CFI) có trụ sở ở thủ đô Washington công bố cuối tháng 8, các ứng viên chạy đua tới ghế Tổng thống hay ghế nghị sĩ Mỹ có rất nhiều cách để quyên tiền vận động tranh cử, song chủ yếu dựa vào các nguồn chính như tiền của cá nhân và gia đình, huy động tài chính từ các nhóm lợi ích, các ủy ban hành động chính trị (PAC)…
Ngoài ra, các ứng cử viên còn được tài trợ một khoản tiền từ Quỹ Bầu cử. Quỹ này được thành lập năm 1971, theo đó mỗi người dân đóng thuế sẽ trích 1 USD để ủng hộ vào Quỹ Bầu cử. Từ năm 1994, mức đóng góp này được nâng lên thành 3 USD.
Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống 2016, ứng cử viên tiêu biểu cho nhóm "bỏ tiền túi" để vận động tranh cử là tỷ phú bất động sản Donald Trump. Việc dựa vào một số lượng đông đảo các nhà ủng hộ để gây quỹ tranh cử tạo ra một số lợi thế lớn cho các ứng cử viên vì điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều cử tri đầu tư và đặt cược vào thành công của họ.
Bên cạnh đó, cũng phải kể tới nhóm các ứng cử viên có nguồn tài chính hùng mạnh nhờ biết đồng thời gây quỹ tranh cử từ nguồn tiền ủng hộ của các tỷ phú, các tập đoàn và cả các cử tri đơn lẻ.
Sarah Bryner, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cho biết: "Các nhà tài trợ trong phạm vi chính trị có đủ động lực để tăng cường đổ tiền vào các chiến dịch. Mặt khác, các nhà tài trợ nhỏ ngày càng tăng và chiếm một phần đáng kể trong danh sách tài trợ".
Một điều đáng chú ý khác là sự phát triển của nền tảng gây quỹ trực tuyến ActBlue của Đảng Dân chủ và WinRed của Đảng Cộng hòa đã góp phần giúp người Mỹ dễ dàng thực hiện mực tiêu tranh cử hơn bao giờ hết. Chỉ với một cú nhấp chuột, trong vòng 20 giây, 50 USD đã được chuyển tới chiến dịch tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ hoặc ngược lại.
Các nhà tài trợ nhỏ lẻ này đóng góp ít hơn 200 USD/người, nhưng lại chiếm 22% tổng số tiền gây quỹ của các Ủy ban Chính trị Liên bang trong cuộc bầu cử năm 2020. Trong giai đoạn tranh cử 2016, tỷ lệ này chỉ chiếm 14% tổng số tiền gây quỹ, báo cáo của Trung tâm Chính trị Đáp ứng cho thấy.
Bên cạnh đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay chứng kiến số tiền quyên góp từ nữ giới tăng vọt. Phụ nữ đã quyên góp gần 1,7 tỷ USD cho các hoạt động chính trị cấp liên bang, mức cao nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử.
Quá trình gây quỹ sẽ bắt đầu ngay từ giai đoạn có một chính trị gia mang tham vọng trở thành Tổng thống Mỹ. Ứng viên này sẽ thành lập một ủy ban, với nhiệm vụ tìm hiểu, thăm dò triển vọng và tiến hành quyên góp tiền vận động tranh cử. Nếu không nhận được sự quan tâm từ cử tri, ủy ban sẽ tự động rút lui. Nếu khả quan, họ sẽ đứng ra ứng cử cho chiếc ghế quyền lực nhất Nhà Trắng.
Các khoản chi được yêu cầu phải công khai và hợp pháp. Và nhìn chung, tài chính là yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhìn nhận của cử tri và lá phiếu của các chính khách. Theo dự đoán của Trung tâm Chính trị đáp ứng, mức tổng chi từ Đảng Dân chủ của ông Joe Biden lên tới 6,9 tỉ USD, trong khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chỉ là 3,8 tỉ.
Tuy nhiên, vai trò của các nhà tài trợ lớn vẫn có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ. Ví dụ, Sheldon Adelson – ông trùm sòng bạc, và vợ Miriam Adelson, tiếp tục là những nhà tài trợ lớn nhất của đảng Cộng hòa. Hai vợ chồng họ đã quyên góp 183 triệu USD cho ứng viên và nhóm hoạt động của đảng Cộng hòa. Trong khi đó, nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ đã hỗ trợ 107 triệu USD cho các ủy ban của đảng Dân chủ.
Năm nay, một số nhà tài trợ lớn khác đến từ Thung lũng Silicon. Karla Jurvetson – bác sĩ và vợ cũ của ông là nhà đầu tư công nghệ, đã quyên góp hơn 24 triệu USD từ năm 2019, chủ yếu được chuyển đến chiến dịch của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Center for Responsive Politics cho biết, ngành dẫn đầu về số tiền tài trợ cho chiến dịch bầu cử vẫn là Phố Wall, với tổng tiền hơn 255 triệu USD từ giới chứng khoán và đầu tư. Số tiền ủng hộ cho đảng Dân chủ là 161,7 triệu USD và 94,5 triệu USD cho đảng Cộng Hòa.
Số tiền được sử dụng vào việc gì?
Phần lớn số tiền bỏ ra được chi cho quảng cáo truyền hình, trong đó quảng cáo cho cuộc đua tổng thống đạt khoảng 1,8 tỷ USD, theo công ty phân tích quảng cáo Advertising Analytics. Tổng chi phí cho các chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, bao gồm cả những cuộc bầu cử sơ bộ, là 2,4 tỷ USD.
Ủy ban chiến dịch tranh cử của Biden, đã huy động được 983 triệu USD tính đến ngày 14/10, đang trên đà gây quỹ vượt một tỷ USD.
Nhưng không chỉ cuộc đua tổng thống mới đưa chi phí lên tầm cao mới. 8 trong 10 cuộc đua vào Thượng viện tốn kém nhất lịch sử Mỹ diễn ra vào năm 2020. Tại Bắc Carolina, tổng số tiền mà hai ứng viên là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis và đối thủ đảng Dân chủ Cal Cunningham chi cho chiến dịch tranh cử đã vượt 272 triệu USD. Đây là một trong 4 cuộc đua vào Thượng viện có chi phí vượt 200 triệu USD trong năm nay, ba bang còn lại gồm Iowa, Nam Carolina và Arizona.
Tại Nam Carolina, Jaime Harrison, ứng viên đảng Dân chủ thách thức Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, đã phá kỷ lục gây quỹ trong quý ba, khi huy động được hơn 57 triệu USD. Ông cũng là ứng viên thượng nghị sĩ đầu tiên huy động được hơn 100 triệu USD.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 diễn ra vào thứ Ba, ngày 3 tháng 11 năm 2020, là cuộc bầu cử tổng thống thứ 59 liên tục bốn năm một lần trong lịch sử Hoa Kỳ giữa 2 ứng cử viên tổng thống đương nhiệm Donald Trump của Đảng Cộng Hòa và Phó Tổng thống Joe Biden cho Đảng Dân chủ. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Theo thông tin mới nhất về bầu cử của Mỹ, tính đến 17h ngày 6/11 (theo giờ Việt Nam), ông joe Biden đã vượt lên dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump ở bang Georgia. Màu hồng đang chuyển xanh nhạt ở bang thành trì của Đảng Cộng hòa cho thấy ưu thế đang thuộc về ông Biden dù chưa có kết quả cuối cùng. Với dấu hiệu trên, đảng Dân chủ đang khá vui mừng vì đây là tiền đề để ứng cử viên Joe có thể giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2020. Đây là lần đầu tiên bang thành trì của đảng Cộng hòa chuyển xanh nhạt kể từ năm 1992. Hiện tại, ông Biden đang dẫn trước 917 phiếu trong tổng số 4,9 triệu phiếu bầu đã được kiểm đếm, tương đương hơn 99%. Vì khoảng cách khá hẹp nên nhiều hãng thông tấn chưa tính thêm 16 phiếu đại cử tri của Georgia cho ông Biden. |
Nguyễn Dung(t/h)