Cựu cán bộ Công an đột nhập phòng lãnh đạo trộm tài liệu tuồn cho ông Nguyễn Đức Chung như thế nào?

08:50 | 22/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết luận điều tra cho thấy, có đủ căn cứ xác định, ông Dũng 3 lần chuyển 12 tài liệu vụ Công ty Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung. Trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước mức độ "Mật".
Như đã đưa tin, ngày 21/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 4 bị can: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ công an); Nguyễn Hoàng Trung, SN 1983, chuyên viên Phòng thư ký biên tập) và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập; cùng trú tại TP Hà Nội) cùng về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. 

Kết luận điều tra xác định, hành vi của ông Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Ông Chung đã kết nối và cho Phạm Quang Dũng (cán bộ C03 Bộ Công an) 10.000 USD để tuồn tài liệu mật liên quan đến vụ Công ty Nhật Cường ra ngoài.

Kết luận điều tra cũng chỉ rõ cách thức mà đối tượng Dũng tiến hành lấy tài liệu, chuyển tài liệu Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường) cho ông Nguyễn Đức Chung. 
 
Cách thức cựu cán bộ Công an tuồn tài liệu cho ông Chung
Ông Nguyễn Đức Chung được xác định là chủ mưu vụ án

Cụ thể, để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua Phạm Huy Lệ (Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) giới, làm quen với Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công An) - người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ Công ty Nhật Cường.

Đến ngày 16/6/2019, ông Nguyễn Đức Chung gặp Dũng đặt vấn đề. Sau đó, ông được Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu kết quả điều tra vụ Nhật Cường. 

Để có thông tin đưa cho ông Chung, Dũng lợi dụng việc được trung dụng hỗ hỗ trợ điều tra vụ án để tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ tại Phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (đơn vụ được giao thụ lý vụ án) chụp trộm các tài liệu, báo cáo.

Từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu liên quan đến vụ án của Công ty Nhật Cường. Dũng đã trộm chìa khóa của phòng lãnh đạo rồi đột nhập vào đó trộm tài liệu.
 
Kết luận điều tra chỉ ra, vào 23h ngày 4/6, Dũng đột nhập vào phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (số 47 Phạm Văn Đồng) dùng điện thoại chụp 3 tài liệu tại bàn làm việc của ông Thành. 

Các tài liệu Dũng chụp được gồm: Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường; tài liệu báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP Hà Nội giai đoạn 2017- 2019.

Sau đó, Dũng chuyển thông tin, tài liệu cho ông Chung thông qua phần mềm Viber và người trung gian. Cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định, 3 lần ông Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án Công ty Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung. Trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Mật”.

Tuy nhiên, tài liệu điều tra cho thấy, cơ quan chức năng chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc ông Dũng được ông Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD nên cơ quan điều tra tách hành vi trên để xem xét, xử lý sau.

Bên cạnh đó, theo cơ quan điều tra, không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc ông Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cung cấp cho ông Nguyễn Đức Chung. Do đó, không có căn cứ xem xét xử lý đối với ông Lệ.
 
Ông Nguyễn Đức Chung và chiếc phong bì chứa 10.000 USD


Hương Quỳnh