Đã 'chốt' Bình Phước là tỉnh triển khai dự án cao tốc Tp. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

23:16 | 21/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự kiến, UBND tỉnh Bình Phước sẽ là cơ quan chủ trì kêu gọi đầu tư thực hiện dự án cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu UBND các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tp.HCM báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh để thống nhất đề xuất UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền tiến hành dự án đường cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Về vấn đề ngân sách giải phóng mặt bằng chi cho dự án này, trung ương sẽ chỉ hỗ trợ một phần sau khi Chính phủ đã cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. Phần lớn các chi phí còn lại sẽ được lấy ra từ nguồn vốn của từng địa phương. 

Vốn đầu tư kêu gọi sẽ khoảng 19.000 tỷ đồng, còn lại sẽ do nhà nước chi trả. Tổng vốn đầu tư của cao tốc này là 36.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đề xuất các yêu cầu như vậy là để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đã 'chốt' Bình Phước là tỉnh triển khai dự án cao tốc Tp. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - ảnh 1

Đây sẽ là tuyến đường trọng điểm kết nối kinh tế 3 tỉnh

Chính phủ, UBND các tỉnh cùng nhà đầu tư kỳ vọng tuyến cao tốc Tp.HCM - Nhơn Thành trong tương lai sẽ đóng vai trò huyết mạch, góp phần đẩy mạnh và kết nối kinh tế liên vùng. Khi dự án được hoàn thành sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian đi từ Tp.HCM đi Bình Dương, Bình Phước.

Trước đó, lãnh đạo của Tp.HCM và tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc, kết quả là thống nhất chủ trương đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành trong giai đoạn 2021 – 2025.

Tuyến cao tốc sẽ bắt đầu thuộc huyện Chơn Thành (Bình Phước) và kết thúc tại điểm nút giao thông Gò Dưa (TP.HCM).

Trước đây, dự án này có tổng chiều dài 69km. Tuy nhiên Bình Phước đã đề xuất phương án mới nhằm đảm bảo tính kết nối và mạng lưới giao thông được đồng bộ, nâng tổng chiều dài cao tốc lên 70km.

Đoạn qua địa bàn Bình Phước sẽ được thiết kế thành 6 làn xe đồng bộ với tuyến cao tốc Đăk Nông - Chơn Thành. Còn đoạn qua địa phận Sài Gòn (từ nút giao Gò Dưa đến giáp ranh Bình Dương) dài khoảng 1,5km, tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, phần qua Bình Dương sẽ có độ dài 57km, gồm 10 cầu vượt với tổng 28km đi trên cao, chi phí dự kiến sẽ vào khoảng 30.000 tỉ đồng. Đoạn còn lại tại tỉnh Bình Phước khoảng 11,5 km, chi phí đầu tư sẽ ở mức 3.000 tỷ đồng. 

Với sự hình thành của cao tốc Tp.HCM - Nhơn Thành, bất động sản quanh khu vực chắc chắn sẽ nhanh chóng "nóng sốt" trong tương lai gần.

Bởi Bình Dương đã đề nghị triển khai sớm cao tốc và Bình Phước đã đề xuất Quốc hội cho quy hoạch 70.000 ha đất gần dự án để phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, 3 khu công nghiệp sẽ được sẽ được mở tại địa bàn tỉnh trong tương lai. 

H.S

Xem thêm: Hà Tĩnh muốn “làm sớm” cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng