Đà Nẵng chuyển đổi gần 80 ha đất rừng để thực hiện 3 dự án lớn
Ngày 15/11, HĐND TP Đà Nẵng đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, thảo luận và thông qua một số nghị quyết do UBND thành phố trình.
Trong đó, UBND TP Đà Nẵng có tờ trình về chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại dự án khu nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân - phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Tổng diện tích rừng xin chuyển đổi tại dự án là 29,73 ha, là đất rừng trồng, được quy hoạch là rừng sản xuất. Trong đó, hơn 18 ha rừng trồng keo có nguồn vốn từ hộ gia đình, số còn lại là rừng trồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đây là dự án nhóm A, hình thành từ năm 2011, được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đề nghị UBND TP chịu trách nhiệm chính xác về thể loại rừng, tính chính xác trong ranh giới. Đồng thời, xử lý hài hòa quyền lợi của các hộ dân được giao khoán đất rừng, quyền lợi sinh kế của họ; có giải pháp thu hồi rừng phù hợp, tận dụng mảng xanh, tránh tình trạng thay đổi quá nhiều đến cảnh quan.
UBND TP Đà Nẵng cũng trình HĐND TP chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 43,88 ha rừng trồng sang mục đích khác. Ông Triết cho biết đây là một trong những dự án trọng điểm của Đà Nẵng, cần sớm hoàn thiện thủ tục để tổ chức đấu thầu, sớm đưa vào sử dụng dự án.
46/48 đại biểu thông qua nghị quyết chuyển đổi gần 44 ha đất rừng, chủ yếu là trồng keo của người dân ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) để thành phố làm dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh. Khi khu công nghiệp này hoàn thành, dự kiến sẽ thu hút được 218 dự án, tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng.
100% đại biểu cũng biểu quyết thông qua nghị quyết chuyển đổi gần 5 ha rừng sản xuất tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn để thành phố đầu tư thêm hộc rác số 7, kinh phí dự kiến khoảng 25 tỷ đồng, trước tình trạng hộc rác số 6 sẽ đóng cửa cuối năm 2024.
Hiện nay, mỗi ngày Đà Nẵng thu gom rác thải sinh hoạt từ 1.800 đến 2.500 tấn, nhưng chỉ có một bãi rác Khánh Sơn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thường xuyên bốc mùi hôi khó chịu.
Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, việc nâng cấp hộc rác số 7 chỉ là giải pháp tình thế. Khánh Sơn là khu vực xử lý rác cho toàn thành phố nên về lâu dài cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư hai dự án 650 tấn và 1.000 tấn một ngày để giải quyết vấn đề an ninh nguồn rác.
Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên 1.284,88 km2 tại tọa độ 15o55' đến 16o14' vĩ độ Bắc, 107o18' đến 108o20' kinh độ Đông và vùng biển gồm quần đảo Hoàng Sa được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5-3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5-10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%.
GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD.
Tập trung xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước:
Về công nghiệp, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano v.v.. trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.
Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.