Đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo KT-XH của Chính phủ: Cụ thể, toàn diện, có sức thuyết phục

15:39 | 02/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi dành phần lớn thời gian phiên họp sáng ngày 2/11 để tiến hành thảo luận theo tổ về KT-XH, nhiều đại biểu đánh giá Báo cáo KT-XH của Chính phủ rất toàn diện, dẫn chứng cụ thể, có sức thuyết phục cao.
Nhiều đại biểu nhận xét, trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến 2020, đất nước đã đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Đơn cử như đại dịch COVID-19, dịch bệnh đã gây ra khủng hoảng không chỉ ở riêng lẻ từng quốc gia, mà còn gây ra những cuộc khủng hoảng mang tính chất toàn cầu, để lại những hậu quả lớn về cả kinh tế và xã hội. Ngoài ra, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây cũng gây nên những tổn thất nặng nề về người và tài sản khiến không ít người đau đớn và xót xa. Với sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhân dân cả nước đã đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ấn tượng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm 2020 và trong 5 năm 2016-2020.
 
Nội dung chính Kỳ họp Quốc hội khóa XIV đợt 2
Đợt 2 kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV đã bắt đầu vào sáng nay tại
Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
 
Nhận xét về Báo cáo tình hình KT-XH của Chính Phủ trình Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc tới từ Bình Thuận cho rằng, báo cáo đầy đủ số liệu, căn cứ, những lập luận và minh chứng được đánh giá cụ thể, rõ ràng chi tiết về sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, mặt trận, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chung. Cùng chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo tới từ Lâm Đồng nhận định, với nguồn lực ngân sách còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, Chính phủ đã đảm bảo công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chủ động chỉ đạo triển khai rất sâu rộng và hiệu quả, chi viện, hỗ trợ kịp thời tới người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt vừa qua. Đại biểu Hoàng Văn Hùng, đại biểu từ tỉnh Thái Nguyên khẳng định, những kết quả đạt được trong năm 2020 nói riêng, và toàn bộ giai đoạn 5 năm nói chung là thành công lớn trong các lĩnh vực: Phòng chống - Kiểm soát - Phục hồi dịch bệnh, Phát triển Kinh tế - Xã hội. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.
 
Đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo KT-XH của Chính Phủ
Tổ đại biểu số 8  (Thái Nguyên, Long An, Bình Thuận và Lâm Đồng) thảo luận về KT-XH
 
Về nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2020-2025, ý kiến của các đại biểu cơ bản bày tỏ đồng tình với những nội dung mà Chính phủ đã đề ra. Đồng thời cho rằng, để đạt được các mục tiêu, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Tập trung huy động các nguồn lực để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão lụt ở miền Trung để sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều vấn đề cụ thể như đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị các cơ quan hữu quan cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa, việc đổi mới chương trình giảng dạy, bảo đảm giảm tải cho người học, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp cho sự phát triển toàn diện đối với học sinh, sinh viên.
 
Nội dung chính Kỳ họp Quốc hội khóa XIV đợt 2
Các đại biểu tại phiên họp sáng ngày 2/11 tại Hội trường Diên Hồng
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề xuất, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, vấn đề về xử lý rác thải cũng phải cần đặc biệt lưu ý. “Rác thải, xử lý rác thải là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong phát triển. Với rác thải y tế được kiểm soát chặt chẽ như vậy nhưng vẫn còn tình trạng găng tay, đồ bảo hộ y tế sử một lần mang ra trao đổi, tái sử dụng thì với các loại rác thải khác sẽ là như thế nào”, đại biểu Hiển nêu vấn đề.
 
Đại biểu Lê Công Đỉnh cho rằng, trong công tác lập, thẩm định quy hoạch cần hết sức lưu ý đến tính khả thi của các dự án. Vì trên thực tế, có nhiều dự án quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực, đất đai để hoang hóa, quyền lợi của người dân không được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân, đây cũng là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện kéo dài.
 
Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu phát triển. Dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác giảm nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo. Chú trọng hơn nữa đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động.
 
Xem thêm: Những nội dung chính sẽ được xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đợt 2
 
Thùy Dương