Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về 'giá đất sát thị trường'

Thu Trang/TTXVN 07:45 | 20/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Về cơ sở dữ liệu đất đai làm căn cứ đầu vào xác định giá đất, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng giá trong hợp đồng chuyển nhượng cơ bản là thấp hơn thực tế. Do đó, cần sửa một vài quy định về thuế đất hiện nay.

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với phóng viên sáng 19/6.

Tại hội thảo truyền thông Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 19/6, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần đầu tiên vào tháng 4/2022. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1 - 15/3. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương pháp xác định giá đất khi thu hồi đất tại sao không đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến này và đang nghiên cứu đưa phương pháp xác định giá đất vào luật nhưng không thể đưa hết được vì có những công thức rất chi tiết nếu đưa vào luật thì không phù hợp.

Theo ông Chính, cơ quan soạn đang nghiên cứu đưa nội dung trên vào Luật và trường hợp nào dùng phương pháp nào. “Ví dụ quy định việc thu thập thông tin, thẩm quyền quyết định hệ số giá đất còn công thức tính toán, chiết khấu… thì phải để cấp Nghị định hooặc Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phù hợp hơn. Nếu đưa vào luật cứng quá thì sau này sửa luật sẽ rất khó khăn. Chính phủ thì cần linh hoạt để điều hành nên để Chính phủ hướng dẫn”, ông Chính cho hay.

Về cơ sở dữ liệu đất đai làm căn cứ đầu vào xác định giá đất, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng giá trong hợp đồng chuyển nhượng cơ bản là thấp dù đóng thuế. Nguyên nhân ở chỗ đánh thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, tức là thuế thu  đánh trên sự chênh lệch của lần mua trước so với lần bán sau. Nếu không chênh lệch thì đánh thuế theo phần trăm của giá đất trong bảng giá đất.

“Điều này khuyến khích người dân nói dối, người dân chỉ khai giá thấp chứ không tội gì khai cao. Chúng ta phải quy định giá đất sát giá thị trường và chúng tôi kiến nghị trong dự thảo Luật lần này là  không đánh thuế thu nhập theo mức chênh lệch khi sửa luật thuế thu nhập về chuyển quyền sử dụng đất, mà sử dụng luôn bảng giá này để đánh thuế. Điều này khuyến khích người dân khai báo đúng để có cơ sở dữ liệu đất đai và đánh thuế đúng, ở mức phù hợp”, ông Đào Trung Chính khẳng định.

Về vấn đề khi nào sẽ thực hiện đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở, ông Chính cho biết, trong Nghị quyết 18 của Chính phủ  còn một số nội dung chưa thể chế vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì không thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Đất đai.

Ban soạn thảo đã tham mưu và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa uỷ quyền của Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về những vấn đề Luật đất đai không làm được. Việc đánh thuế cao hơn với người nhiều đất nhiều nhà thì phải sửa Luật thuế sử dụng đất, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp…

Về giá đất khi thu hồi, ông Chính cho hay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất hàng năm do Hội đồng nhân dân địa phương ban hành để sát với tình hình địa phương. 

“Có ý kiến cho rằng, làm sao giá đất hài hoà giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân tôi cho rằng chưa đúng. Phải nói rằng, chính sách thu làm sao hài hoà mới đúng. Nếu ta ấn định giá thấp để thu hút đầu tư thì thu hồi sẽ bị khiếu kiện. Theo tôi, giá phải bám sát thị trường, còn khi thu thì xác định mức thu như thế nào để điều tiết hài hoà quyền lợi nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Đào Trung Chính cho biết.

Theo ông Chính, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu; bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú Đã lấy ý kiến đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố; huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.

Ông Chính cho biết, đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 1.227.238 lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.064.464 lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với 1.035.394 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 1.008.494 lượt ý kiến.

Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến phản biện xã hội lần 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.