Đại gia Dương Công Minh: Từ tiểu thương “buôn” xoài đến ông chủ của “đế chế” Him Lam
Phá sản vì kinh doanh xoài
Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/5/1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1984, ông Dương Công Minh đi nghĩa vụ quân sự.
Trong một buổi tọa đàm, ông Minh từng đính chính rằng: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”.
Sau khi xuất quân, trong một lần lên Lạng Sơn chơi với người bạn, ông thấy thương lái Trung Quốc đi mua chuối. Sau đó, ông Minh và người bạn này liền bàn về xuất khẩu chuối sang Trung Quốc.
Ông từng nói rằng, có những cơ hội nhưng không đến tự nhiên, mà phải có ý chí, ý tưởng mới ra cơ hội. Sau xuất khẩu chuối, ông Minh với bạn lại tiếp tục xuất khẩu xoài, thanh long.
Ngày đó, xoài thứ hoa quả rất hiếm chứ không phải sản xuất hàng hóa như bây giờ, chủ yếu tự cung tự tiêu là chính. Xuất khẩu đi Pháp một năm chỉ 5 đến 10 tấn, trong khi thương lái Trung Quốc lại mua rất nhiều xoài. Tuy nhiên, sau đó, ông “phá sản” vì kinh doanh xoài và cái biệt danh Minh “xoài” cũng gắn với ông từ đó.
Năm 1994, ông thành lập Công ty Him Lam. Thời đó, Him Lam là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doạnh bất động sản tại TP. HCM. Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Nói về Him Lam, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết mong muốn của doanh nghiệp là tạo ra những khu đô thị, tiểu thành phố như Vingroup. “Sau Vingroup, chắc chắn Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam làm theo mô hình đô thị hoàn chỉnh vài trăm ha”, ông nhấn mạnh.
Hiện nay, Him Lam của ông Minh là một “ông lớn” trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.
Có thể điểm qua một số dự án bất động sản lớn của ông chủ Him Lam như: Khu nhà ở Đồng Diều (Phường 4, Quận 8), Khu nhà ở 6A Him Lam (Bình Hưng, Bình Chánh), khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng (Phường Tân Hưng, Quận 7) với quy mô lên đến 60 ha. Ngoài ra, một số dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông…
Dự án Trung tâm thương mại Him Lam Plaza (tại Phường Đại Phúc, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh). Dự án xây dựng khi công viên công nghệ thông tin Hà Nội (khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, thành phố Hà Nội), dự án Galaxy 2 (tại Lê Văn Lương – Hà Đông)…. Và nhiều dự án bất động sản lớn trải dài khắp cả nước.
Ngoài ra, người ta còn biết đến ông Minh còn đầu tư vào lĩnh vực golf, điển hình là dự án Sân golf Long Biên (tại quận Long Biên, Tp.Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (tại quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh).
Vào đầu tháng 5/2016, Him Lam đã khởi công 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỉ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại Đồ Sơn - Hải Phòng.
Vì sao ông Minh dời Him Lam?
Theo Vietimes, ông Dương Công Minh hiện không nắm giữ trực tiếp cổ phần tại CTCP Him Lam hay Him Lam Land – hai pháp nhân lõi trong “hệ sinh thái” của tập đoàn Him Lam - kể từ khi tham gia vào Sacombank.
Tại đại hội thường niên Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sáng 30/6/2017, ông Dương Công Minh, Thành viên HĐQT đã trở thành tân Chủ tịch Sacombank với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất (tính trên quyền biểu quyết), thay ông Kiều Hữu Dũng đạt tỷ lệ 66,4%. Bà Lê Thị Hoa giành được hơn 93,5% số phiếu bầu. Ông Phạm Văn Phong, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ đạt lần lượt 65,4%, 72,5%, 65,5%.
Mặc dù ông Minh đã chuyển sang “game” Sacombank, tuy nhiên, thị trường bấy lâu nay vẫn đồn đoán về một mối liên hệ kín đáo và kín kẽ còn tồn tại giữa ông Minh và tập đoàn này, mặc dù chưa ai có thể đưa ra một bằng chứng xác đáng.
Những lời “đồn đoán” đó cũng có lý khi người em gái của ông Minh đang là Thành viên HĐQT của CTCP Him Lam, còn người anh họ Trần Văn Tĩnh (SN 1954) tính đến cuối năm 2018 vẫn giữ ghế Chủ tịch HĐQT của Him Lam và Him Lam Land. Hay hình bóng của Him Lam ở một dự án hàng nghìn tỷ đồng mà Sacombank đã rao bán trong một ví dụ xử lý nợ xấu dưới thời ông Dương Công Minh.
Thời điểm ông Minh làm chủ tịch Sacombank thì ngân hàng này đang có khối nợ xấu khổng lồ do sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Với sự chèo lái của vị chủ tịch mới nợ xấu của Sacombank từng bước giảm mạnh và doanh thu, lợi nhuận đều tăng mạnh so với trước đó.
Trước khi sang Sacombank, tại ĐHĐCĐ bất thường của ngân hàng vào chiều 5/6/2017, ông Dương Công Minh đã từ nhiệm với lý do cá nhân, để tập trung cho các dự án, khoản đầu tư mới của Công ty Him Lam.
Sacombank làm ăn thế nào trong năm 2021?
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) vừa công bố BCTC Hợp nhất quý 2/2021.
Quý 2 năm nay, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế đạt 1.424 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh của nhà băng trong quý 2 đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của Sacombank quý 2/2021 tăng 19,4% so với quý 2/2020 đạt 3.148 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 34% đạt 936 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 17 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ hơn 50 tỷ. Ngoài ra, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 1,3% đạt 167 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng gấp 4 lần đạt 475 tỷ đồng.
Như vậy, tổng thu nhập hoạt động quý 2/2021 của Sacombank đạt 4.744 tỷ, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 18% lên 2.336 tỷ, chi phí dự phòng giảm 14% xuống 986 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 8.889 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động nửa đầu năm tăng 12,4% lên 5.005 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng ở mức 1.461 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Theo đó, Sacombank báo lãi trước thuế nửa đầu 2021 năm đạt 2.424 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản Sacombank ở mức 505.534 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,1% đạt 361.109 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,4% lên 433.944 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của Sacombank giảm 171 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm xuống còn 5.608 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 1,55% trong tổng dư nợ cho vay.
Ngoài ra, Sacombank cũng đang thực hiện kế hoạch thoái toàn bộ 13.870.000 cổ phiếu, tương đương 10,21% vốn tại Công ty Chứng khoán SBS vào cuối tháng 7 và tháng 8/2021 nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư và gia tăng nguồn thu để bổ sung vốn cho kinh doanh.
Hành trình trở Chủ tịch Sacombank của ông Dương Công Minh
-Từ năm 1979 – 1984, ông là sinh viên chuyên ngành Vật giá, Đại học Kinh tế Kế hoạch – nay là Đại học Kinh tế Quốc dân.
-Từ năm 1985 – 1988, ông là Sỹ quan – Công ty Xuất nhập khẩu, Bộ Quốc phòng.
-Từ năm 1989 – 1994, ông là cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê, Liên hiệp các xí nghiệp cà phê, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm.
-Từ năm 1994 – 1997, ông là Giám đốc - Xí nghiệp Xây dựng, Công ty Thanh Bình, Bộ Quốc phòng.
-Từ năm 1997, ông là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam.
-Từ năm 2008 - 6/2017, ông là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.
-Từ năm 2006, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Dụng cụ Thể Thao Bảo Long.
-Từ năm 2010, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Xín Mần.
-Từ năm 2013, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Liên Việt.
-Từ đầu tháng 6/2017, ông có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank. Đến cuối tháng 6/2017 ông Dương Công Minh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).