Đại gia thủy sản "thẳng thừng" từ chối ưu đãi giảm lãi suất là ai?

10:12 | 12/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại gia thủy sản từ chối ưu đãi giảm lãi suất của ngân hàng là Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sạch Việt Nam hiện có địa chỉ tại Lô F Khu Công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Mới đây, một doanh nghiệp thuỷ sản lớn ở ĐBSCL đã viết thư “cảm ơn” và từ chối nhận ưu đãi giảm lãi suất của ngân hàng với lý do mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2021 khá cao.

Cụ thể, văn bản do Tổng Giám đốc công ty này kí tên, đóng dấu với nội dung: “Được biết mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng năm 2021 là khá cao nên công ty chúng tôi xin không nhận phần giảm lãi này”.

Thông tin này lập tức đã gây xôn xao trong thị trường tài chính, bởi việc được ngân hàng ưu đãi giảm lãi suất là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành hiện tại. Văn bản từ chối nhận ưu đãi giảm lãi suất của doanh nghiệp thuỷ sản trên đã khiến rất nhiều người phải đặt ra câu hỏi.

Trả lời trên Dân Trí, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho biết lý do từ chối nhận ưu đãi lãi suất của ngân hàng do mức giảm quá ít, mất công điều chỉnh hồ sơ.

"Ngân hàng có thiện chí nhưng mức giảm lãi vay quá ít, không có nghĩa lý gì so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp nên chúng tôi không nhận. Chúng tôi cũng không khó khăn đến nỗi đó, giảm tí xíu mất công lắm", ông nói.

Đại gia thủy sản thẳng thừng từ chối ưu đãi giảm lãi suất là ai? - ảnh 1

Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfoof-Sóc Trăng) đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trong hệ thống ao nổi.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này là Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sạch Việt Nam, được thành lập vào ngày 19/5/2009, người đại diện pháp luật là ông Võ Văn Phục, hiện có địa chỉ tại Lô F Khu Công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này chuyên chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng và tôm sú cho các kênh bán lẻ và dịch vụ thực phẩm trên khắp Nhật Bản, Châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới. Doanh nghiệp có trang trại rộng lớn với sản lượng thu hoạch hàng năm từ 2.000 đến 3.000 tấn.

Được biết trước khi có văn bản từ chối ưu đãi lãi suất của ngân hàng, doanh nghiệp này đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, không được ngân hàng này trả lời lại, khiến ông chủ của doanh nghiệp cho biết sẽ khiếu nại.

Sau đó, chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long của BIDV đã đồng ý giảm lãi suất với mức 0,1%-0,2%/năm. Nhưng theo ông chủ doanh nghiệp thuỷ sản này, “mức giảm quá nhỏ, nhận chi cho mang tiếng nên tôi từ chối”.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông này cho biết, doanh nghiệp của ông là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước về nuôi trồng chế biến thủy hải sản, doanh thu hàng năm lên tới 3.000 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ, với doanh thu ước khoảng 75 triệu USD.

"Theo kế hoạch, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng rất mạnh trong quý III này, bởi đây là thời điểm cao điểm của thu hoạch và cung cấp hàng hóa xuất khẩu cho mùa tiêu thụ Noel vào cuối năm của các nước phát triển", ông này cho hay.

Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ 4, hàng loạt tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và thực hiện "3 tại chỗ" đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp trên đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Theo ước tính, với tác động này, doanh thu của doanh nghiệp sẽ sụt giảm tới 50% theo kế hoạch trong tháng 8 và vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, chi phí duy trì sản xuất tăng vọt do thực hiện "3 tại chỗ", từ chi phí ăn ở, sinh hoạt, hỗ trợ thêm người lao động, phí xét nghiệm,...

Tuy nhiên, ông chủ doanh nghiệp này vẫn khẳng định: “Chúng tôi chấp nhận thực tế khắc nghiệt, thời điểm này đành phải lấy nguồn lực dự trữ ra chống đỡ. Tuy nhiên điều chúng tôi lo lắng là người nông dân nuôi tôm không tiếp tục nuôi nữa, thì nhà máy lấy nguồn nguyên liệu nào để hoạt động đây!”

H.A

Xem thêm: Quyết định mới của hải quan Mỹ tạo tin vui cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm đông lạnh