Đang đà tăng mạnh, vì sao đồng USD chững lại?
Đồng USD mạnh và 'thảm họa' với nhiều thị trường mới nổi
Trong một bài viết trên tờ Financial Times, giáo sư kinh tế học Barry Eichengreen của Đại học California, Berkeley nói rằng không ít chính phủ và ngân hàng trung ương dùng từ "thảm họa" thay vì từ "ngoạn mục" để nói về việc đồng USD mạnh lên.
Đối với các nước đang phát triển, từ Sri Lanka đến Argentina, sự gia tăng của đồng bạc xanh đã khiến việc giải quyết các khoản nợ bằng đồng USD, vốn đã là một nhiệm vụ khó khăn, càng trở nên bất khả thi.
Đối với các thị trường mới nổi như Chile, dù không phải gánh các khoản nợ, việc giá năng lượng và thực phẩm chi trả bằng nội tệ đổi USD tăng đã làm trầm trọng thêm lạm phát. Lạm phát tăng và nội tệ trượt giá khi USD mạnh lên đã buộc Ngân hàng trung ương Chile phải tăng lãi suất 9 lần một cách bất thường trong năm qua.
Đồng euro giảm xuống ngang bằng với USD cũng là vấn đề đau đầu đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong khi đó, đồng yên Nhật Bản cũng hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay.
Đồng USD mạnh lên không phải là hiện tượng đáng ngạc nhiên. Chứng kiến lạm phát dai dẳng lên đỉnh, trong khi vẫn tự tin vào đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã thực hiện hàng loạt bước tăng lãi suất mạnh mẽ hơn hẳn các ngân hàng trung ương lớn khác. Nhu cầu nắm giữ USD do đó tăng mạnh, khiến sức mạnh đồng bạc xanh liên tục nhích lên từ đầu năm.
Trong khi đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác như ECB, được tiến hành thận trọng hơn nhiều. ECB mặc dù đã bắt đầu tăng lãi suất trong một động thái gây bất ngờ gần đây, nhưng vẫn khá dè dặt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề nguồn cung năng lượng gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng. Còn tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không có lý do để nâng lãi suất khi đất nước chưa giải quyết được tình trạng giảm phát.
Rủi ro địa chính trị từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine càng khiến USD trở thành một kênh an toàn, càng làm sức mạnh đồng bạc xanh tăng lên trông thấy trong rổ tiền tệ.
Cho đến gần đây, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh bất ngờ hạ nhiệt, có nguy cơ mở đầu cho một sự đảo chiều của đồng USD. Thực chất, điều gì đang xảy ra?
Những dấu hiệu đảo chiều
Phản ứng muộn màng với lạm phát đã đưa FED ngày nay vào một tình thế không mấy dễ chịu: rượt đuổi để kiểm soát lạm phát đang dạo quanh đỉnh kỷ lục. Bởi vậy, trong một thời gian dài, thị trường liên tục kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế sự gia tăng giá cả. Kỳ vọng này đã được phản ánh vào giá các tài sản, trong đó có đồng USD.
Nói cách khác, những đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED sẽ khó đẩy tỷ giá USD lên cao hơn, bởi kỳ vọng thị trường về đà tăng đó đã xuất hiện và đẩy sức mạnh đồng USD lên từ lâu. Thậm chí, nếu FED phải giãn tiến độ tăng lãi suất vì nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, đồng USD có nguy cơ tụt giá mạnh.
Cùng đó, hai diễn biến bổ sung làm phức tạp thêm triển vọng thị trường hối đoái.
Thứ nhất, ECB đang cho thấy mức độ sẵn sàng trong việc bắt kịp FED trong cuộc đua tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong bối cảnh bão giá ở khu vực này cũng nóng và dai dẳng không kém. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương khác cũng đã tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất để giải quyết lạm phát như Canada, Philippines, Singapore, New Zealand và Hàn Quốc. Danh sách này ngày càng dài hơn.
Nền tài chính của các quốc gia này đủ mạnh để chịu được việc tăng lãi suất. Do đó, các ngân hàng trung ương của họ ít nhất cũng theo kịp FED. Với kỳ vọng này, nhiều khả năng sức mạnh của USD so với rổ tiền tệ các quốc gia này có thể giảm đi. Diễn biến như vậy có thể tiếp tục trong vài tháng tới.
Một yếu tố thứ hai có thể kéo sụt sức mạnh đồng USD và đáng ngại hơn cả cuộc đua lãi suất của các ngân hàng trung ương là nguy cơ suy thoái ở Mỹ. Đồng USD mạnh lên, trước hết là do kỳ vọng của thị trường về việc FED tiếp tục tăng lãi suất. Trong khi đó, kỳ vọng này của FED lại dựa trên giả định rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và FED có thể mang đến một cú "hạ cánh mềm".
Nếu sự giảm tốc do chính sách thắt chặt của FED lan rộng từ thị trường nhà ở sang bán lẻ và đầu tư doanh nghiệp, tác động sẽ làm giảm lạm phát, nhưng đồng thời giam cả chi tiêu - một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong kịch bản này, nhận định cho rằng lạm phát vẫn ở mức cao và FED tiếp tục chu kỳ thắt chặt ngay cả trước nguy cơ suy thoái sẽ trở nên không phù hợp nữa.
FED dưới thời cựu Thống đốc Paul Volcker đã tăng lãi suất ngay khi nền kinh tế đối mặt với suy thoái, và khi đó đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh vì lạm phát ở Mỹ khi đó dai dẳng ở mức cao trong vài năm. Nhưng với bối cảnh hiện tại, giáo sư Eichengreen nhận định ít có dấu hiệu cho thấy điều này sẽ lặp lại. Nếu nền kinh tế suy yếu và lạm phát hạ nhiệt, FED có ít lý do để tiếp tục quá trình tăng lãi suất mạnh mẽ, và USD sẽ đảo chiều.
Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố tuần này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI ) tháng 7 đi ngang so với tháng 6, khác với dự báo tăng 0,2% của giới phân tích. So với tháng 7/2021, CPI tháng 7/2022 của Mỹ tăng 8,5%, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 8,7% và thấp hơn mức tăng 9,1% của tháng 6. Trong khi đó, chỉ số CPI cốt lõi không bao gồm lương thực và năng lượng tăng 0,3% so với tháng 6, thấp hơn mức dự báo 0,5% của giới phân tích.
Sau báo cáo lạm phát tháng 7 thấp hơn dự báo, khi thị trường kỳ vọng một động thái tăng lãi suất ít mạnh mẽ hơn từ FED, chỉ số USD index đã giảm 1,29% xuống quanh mức 105 điểm. Tại thời điểm 17 giờ chiều 12/8 (giờ Việt Nam), chỉ số này ở mức 105,45 điểm.