Đây là lý do tại sao các nhà kinh tế lo lắng về khối nợ công của Mỹ

10:27 | 22/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ Mỹ đang ngồi trên đống nợ lớn nhất từ trước đến nay và các nhà kinh tế đang lo lắng về điều đó.

Chính phủ Mỹ đang vay nợ ngày càng nhiều. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Nợ công của Mỹ đã vượt mốc 34.000 tỷ USD trong năm nay và theo ước tính của các nhà kinh tế thuộc Bank of America, khối nợ sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD sau mỗi 100 ngày.

Tại sao chuyện nợ nần của chính phủ Mỹ lại đáng lo ngại đến vậy?

Theo chuyên gia thị trường Les Rubin, núi nợ công của Mỹ là mầm mống cho các vấn đề kinh tế như lạm phát tăng cao, chất lượng cuộc sống giảm sút và trong trường hợp xấu nhất có thể gây bất ổn cho toàn bộ hệ thống tài chính.

Khối nợ càng lớn càng đáng ngại

Chính phủ Mỹ cần phải bán nợ của mình cho các nhà đầu tư, bao gồm nhiều cá nhân, tổ chức và các quốc gia khác. Song, mức nợ cao làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu Mỹ có thể tiếp tục trả nợ hay không.

Trao đổi với Business Insiders, ông Rubin cảnh báo khi ngày càng nhiều người ngần ngại mua chứng khoán nợ của chính phủ Mỹ thì nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ càng dễ bị tổn thương.

Bộ Tài chính Mỹ đã bán 22.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ vào năm ngoái, nhưng các cuộc đấu giá gần đây cho thấy nhu cầu đang yếu đi. Nhà đầu tư có thể sẽ sớm gặp khó khăn trong việc hấp thụ lượng lớn trái phiếu sắp phát hành.

Các phiên đấu giá trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 và 30 năm gần đây nhất không diễn ra sôi nổi, vì các nhà đầu tư nhận thấy lãi suất dài hạn sẽ tăng cao hơn và lạm phát đang trở nên dai dẳng hơn. Vào tháng 5 tới, Mỹ sẽ chào bán thêm 385 tỷ USD trái phiếu mới.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể bán thêm nợ? Nền kinh tế sẽ không hoạt động được. Chính phủ sống nhờ vay nợ. Nếu chúng ta không thể bán nợ theo đúng nghĩa đen thì chúng tôi không thể thanh toán những hoá đơn của mình”, ông Rubin diễn giải.

Bản thân khối nợ của chính phủ đã đóng vai trò kích thích lạm phát. Người tiêu dùng có thể kỳ vọng rằng lạm phát sẽ tiếp tục đi lên nếu chính phủ không giảm tốc độ vay nợ lại.

Nợ là một biện pháp kích thích kinh tế, giúp tăng tốc độ tuyển dụng và nâng lương. Theo giáo sư Jay Zagorsky của Đại học Boston, nếu nền kinh tế Mỹ đã đạt trạng thái toàn dụng việc làm, thì chính phủ càng vay nợ, lạm phát sẽ càng lên cao.

Lạm phát đã cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ít nhất 1 điểm % trong gần hai năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,5% so với cùng kỳ vào tháng 3, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp số liệu lạm phát nóng hơn dự kiến.

 

Chất lượng sống đi xuống

Ông Zagorsky nói thêm rằng khối nợ công phình to cũng có thể khiến chất lượng cuộc sống của người Mỹ kém đi. Đó là bởi vì nợ càng tăng thì chính phủ càng phải dành nhiều tiền để trả lãi vay và do đó sẽ có ít tiền cho các ưu tiên khác như An sinh Xã hội.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, chính phủ đã chi 429 tỷ USD vào năm ngoái để trả lãi vay. Con số này cao gấp 240% so với số tiền mà chính phủ chi cho giao thông, thương mại và nhà ở cộng lại.

“Trong tương lai không xa, một trong những khoản mục quan trọng nhất mà chính phủ liên bang sẽ chi tiền không phải là quốc phòng hay giáo dục hay nhà ở, mà là lãi vay”, vị giáo sư cho hay.

Suy thoái kinh tế

Ông Rubin cảnh báo, khi các nhà đầu tư mất niềm tin và không còn coi nợ của chính phủ Mỹ là một tài sản an toàn, thị trường tài chính sẽ rơi vào hỗn loạn do lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ mà các tổ chức toàn cầu nắm giữ.

Trong trường hợp xấu nhất, ông dự đoán thị trường sẽ sụp đổ nếu khối nợ tăng quá cao và mọi người tin rằng Mỹ có thể không trả được nợ.

“Hàng nghìn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức và quốc gia trên toàn thế giới sẽ giảm đáng kể về giá trị hoặc trở nên vô giá trị. Chính phủ Mỹ có thể hạn chế trả lãi vay.

Đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới và cuối cùng sẽ dẫn đến hỗn loạn. Chúng ta không thể để chuyện đó xảy ra”, ông Rubin nói.

Hai ông Zagorsky và Rubin cho rằng chính phủ Mỹ không thể làm gì nhiều để ngăn chặn những vấn đề đó, ngoại trừ việc ngừng vay thêm nợ mới. Về mặt kỹ thuật, chính phủ có thể in thêm tiền để trả nợ nhưng cách làm này sẽ dẫn đến siêu lạm phát khi cung tiền tăng vọt.

Theo dữ liệu của Fed, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có thể giúp khối nợ của chính phủ Mỹ trở nên bền vững hơn. Song, nợ công lại đang tăng nhanh hơn GDP.

Các nhà kinh tế không chắc chắn khi nợ công sẽ trở thành vấn đề thực sự đối với Mỹ. Nếu tốc độ vay nợ không chậm lại, ông Rubin dự đoán một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra trong thập kỷ tới.

“Khối nợ tăng chậm và sau đó tăng tốc nhanh chóng. Hiện tại, tôi không nghĩ sẽ có bất trắc gì xảy ra trong tương lai gần. Tôi cho rằng chúng ta có khoảng 10 năm hoặc ít hơn để sửa chữa vấn đề này”, ông cảnh báo.