Đẩy mạnh kinh tế số là giải pháp tạo tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19?

11:34 | 30/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã phần nào được khống chế ở Việt Nam, kinh tế cũng phải từng bước phục hồi. Trong bối cảnh hiện tại, liệu phát triển kinh tế số có thể kéo mức tăng trưởng cuối năm đi lên?

Trong một bài viết đăng mới đây, Tạp chí The Economist (Anh) đưa ra nhận định, năm 2020 sẽ "hơi khác biệt" do tác động của đại dịch COVID-19. Rất ít nền kinh tế mới nổi có cơ hội tăng trưởng, phát triển.

Tuy nhiên, vì các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái nhanh hơn nên khoảng cách giữa các nền kinh tế đang phát triển với các nền kinh tế phát triển vẫn được thu hẹp. Trong bối cảnh đó, chỉ một số ít nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn tăng trưởng - đó có thể là Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam. 

Trước đó, hồi tháng 7, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II và 6 tháng năm 2020, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8% đối với kịch bản cơ sở (nhiều khả năng) và 2,2% với kịch bản bất lợi (ít khả năng).

Báo Chính Phủ có đoạn, các chuyên gia đến từ VEPR cho rằng, trong quý II/2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới, đạt 0,36%, trong khi CPI bình quân giảm do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh. 

Đẩy mạnh kinh tế số là giải pháp tạo tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19? - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, động lực chính mà kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 vượt qua bão dịch chính là lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chuyên gia của BIDV dẫn chứng rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng 1,19%, mức này thấp hơn so với mức 3,9% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng đóng góp gấp đôi mức tăng trưởng chung vào GDP, đóng góp 12%.

Trong khi đó, trong bài viết trên tờ Nikkei Asia Reviews ngày 7/8/2020 cũng đưa ra nhận định, Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 nhưng không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ nhưng vẫn đảm bảo để các hoạt động của nền kinh tế phát triển với quyết tâm song hành triển khai mục tiêu kép "phòng chống dịch" và "phát triển kinh tế".

Trao đổi với Chuyên trang Nhịp sống Kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, kinh tế số ở nước ta đã và sẽ phát triển mạnh hơn sau dịch COVID-19.

"Trước đây, người ta ra chợ hàng ngày, ngày nào cũng mua. Thời COVID-19, do lo ngại về dịch bệnh, họ sẽ giảm việc tự đi chợ. Việc mua hàng sẽ bị giảm. Nhưng nhờ thương mại điện tử, việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện, người ta vẫn duy trì được việc mua hàng tương đối bình thường. Thương mại điện tử và nhiều dịch vụ số khác sẽ phát triển mạnh hơn khi COVID-19 xuất hiện. Cấu trúc thương mại và cơ cấu tiêu dung sẽ thay đổi mạnh. Đó là cơ hội lớn để thương mại điện tử nói riêng, các giao dịch điện tử nói riêng có bước nhảy vọt", TS Thiên nói.

Còn ở một góc nhìn khác, Ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận xét: "Kinh tế số rất quan trọng trong sự phát triển, nhưng kỳ vọng quá nhiều vào kinh tế số trong việc tác động vào tăng trưởng 6 tháng cuối năm thì tôi cho rằng khó khả thi. Đó là một vấn đề mang tính dài hạn của đất nước".

Tuy nhiên, dù nhận định về triển vọng lạc quan của kinh tế số, ông Trần Đình Thiên cũng đồng tình với nhận định của ông Trương Văn Phước về ý kiến không nên kỳ vọng quá nhiều vào kinh tế số trong việc thúc đẩy mạnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Ông Thiên nói: "Về mặt tương quan, trong đại dịch, kinh tế số chắc chắn sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, kinh tế số với thương mại điện tử và thanh toán điện tử hỗ trợ việc bán hàng, chỉ có thể giúp cho bán lẻ không giảm nữa chứ khó lòng thúc đẩy việc tăng trưởng mạnh. Bởi lẽ khi thu nhập giảm thì nhu cầu tiêu dùng (mua hàng hóa, dịch vụ) cũng khó tăng mạnh".

Nói về các biện pháp thúc đẩy kinh tế số, ông Thiên cũng chia sẻ với người đồng sự trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về việc cần phải xây dựng cơ chế vận hành phù hợp cho các nguồn lực về trí tuệ, công nghệ thông tin.

Lệ Vỹ (T/h)