ĐBQH đánh giá nhiều kết quả trong điều hành ngân sách, kinh tế vĩ mô

Theo Báo Chính Phủ 15:47 | 05/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 5/11, thảo luận toàn thể tại Hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2024, và dự toán, phân bổ năm 2025, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành ngân sách với kết quả tăng trưởng tốt so với dự toán.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, thuế nhập khẩu - Ảnh: VGP/LS

Tổng thu ngân sách vượt dự toán 10%

Phát biểu tại phiên họp, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Đại biểu cũng đánh giá cao báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin, giúp cho các đại biểu Quốc hội nhìn thấy rõ hơn chất lượng các khoản thu ngân sách cũng như kiểm tra các khoản chi ngân sách.

Về tình hình thực hiện ngân sách năm 2024, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, tổng thu ngân sách vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so với dự toán và 6,9% so với cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.

Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp chưa phù hợp, cần sửa đổi, hoàn thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Thu tiền sử dụng đất ước giảm 4,2%, tuy nhiên, với việc các luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, các địa phương đã triển khai định giá đất, có thể đảm bảo thu vượt dự toán. Chi ngân sách ước vượt 7,7% so với dự toán, chủ yếu do chi hỗ trợ ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Bội chi ngân sách giảm so với dự toán, đạt 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu 3,6% GDP.

Về dự toán ngân sách năm 2025, dự toán thu tăng 15,6% so với năm 2024, chi tăng 20,3%. Việc tăng chi được đánh giá là phù hợp, do năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và là năm cuối thực hiện Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia.

Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu rõ, trong năm qua, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao hiệu quả, kết quả điều hành kinh tế - xã hội đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù lương tăng cao nhưng chỉ số CPI ổn định, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và hiệu quả. Bên cạnh đó, với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận...

Ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân còn chậm. Qua tìm hiểu thực tế, đại biểu chỉ rõ, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc". Đại biểu cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu. Trong Luật Đấu thầu quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. 

Tuy nhiên, Nghị định 126 quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ là 90 ngày nên dẫn tới việc lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.

Bên cạnh đó, đối với những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu nhưng không được cấp phép nên không khai thác được. Vì vậy phải đi sang địa phương khác tìm mua, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên. Đây cũng là bất cập cần được gỡ sớm để hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn vào năm 2025.

Nguyên nhân sâu xa là do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ.

Đại biểu cho rằng, sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 thì còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu - Ảnh: VGP/LS

Quan tâm giải quyết các thủ tục thu tiền sử dụng đất

Phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Theo như các ĐBQH phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.

Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...

Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên thì chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ còn lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như vậy không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.

Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009 – 2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.

Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.

Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.

Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ. Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.

Lê Sơn