FED tăng lãi suất ảnh hưởng như thế nào đến các nước đang phát triển?
Ông Eric LeCompte, giám đốc điều hành của Mạng lưới Jubilee USA - một liên minh về giải pháp giảm nghèo toàn cầu, nhận định: “Việc tăng lãi suất của FED sẽ gây áp lực lên tất cả các quốc gia đang phát triển".
Tháng trước, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, đã bày tỏ lo lắng và cảnh báo FED cũng như các ngân hàng trung ương có ý định tăng lãi suất nên “lưu ý đến rủi ro lan tỏa đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dễ bị tổn thương”.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro do bất ổn chính trị, IMF gần đây đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của các nước đang phát triển và mới nổi xuống 3,8%, thấp hơn một điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.
FED vào hôm 4/5 đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra cách đây hai năm và cảnh báo rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới.
Theo các nhà phân tích, việc tăng lãi suất của Mỹ có thể gây ra thiệt hại về lâu về dài. Thứ nhất, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài, vì thế, gây thiệt hại cho xuất khẩu của nhiều nước.
Quyết định này cũng ảnh hưởng đến đầu tư toàn cầu. Cụ thể, khi lãi suất tăng ở Mỹ, trái phiếu công ty và chính phủ Mỹ trở nên an toàn hơn và có vẻ bắt đầu hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Vì vậy, Mỹ có thể rút tiền ra khỏi các nước nghèo và thu nhập trung bình để đầu tư trong nước. Những thay đổi đó thúc đẩy đồng USD tăng giá và đẩy tiền tệ ở các nước đang phát triển đi xuống.
Tiền tệ giảm giá có thể gây ra nhiều vấn đề. Dễ thấy nhất là khoản chi trả cho thực phẩm nhập khẩu và các sản phẩm khác trở nên đắt hơn. Điều này càng trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh tăng giá do chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì cuộc chiến ở Ukraine.
Để bảo vệ đồng tiền đang bị chìm xuống, ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có khả năng tăng tỷ giá; thực tế, một số ngân hàng trung ương đã làm việc này. Điều đó có thể gây ra thiệt hại lớn về kinh tế vì làm chậm tăng trưởng, giảm việc làm và đưa những người vay vốn kinh doanh vào thế khó. Đồng thời, các chính phủ mắc nợ phải chi ngân sách nhiều hơn cho việc trả lãi, đồng nghĩa với việc rót tiền nhỏ giọt cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ dân nghèo.
Bà Georgieva, chuyên gia của IMF, đã cảnh báo rằng 60% các quốc gia có thu nhập thấp gần như đã ở trong hoặc sắp bị đẩy vòng “túng quẫn”. Đáng báo động khi một số nước phải trả khoản nợ gần bằng một nửa quy mô nền kinh tế quốc gia của họ.
Bất chấp rủi ro về thiệt hại tài sản thế chấp, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay để chống lại lạm phát đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Mỹ.
Lạm phát tăng vọt là hệ quả khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ khỏi suy thoái do dịch Covid-19 năm 2020. Để khôi phục sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải tranh giành nhân công và nguồn cung ứng đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Điều này đẩy giá cả tăng cao. Vào tháng 3, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981.
Bằng cách đẩy lãi suất lên, FED kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế có một "cú hạ cánh nhẹ nhàng", nghĩa là mức tăng lãi suất vừa đủ để làm chậm lại nền kinh tế và kiểm soát lạm phát nhưng không đủ mạnh tay để đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái khác.
Một số ý kiến tỏ ra lo lắng rằng FED đã kéo dài thời gian quá lâu để bắt đầu động thái cứng rắn chống lạm phát và buộc phải tăng lãi suất mạnh đến mức gây gây tổn hại cho Mỹ và các nước đang phát triển.
Bà Liliana Rojas-Suarez, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: “Nếu FED phản ứng nhanh hơn khi vấn đề bắt đầu xảy ra, tình thế sẽ khả quan hơn".
Nhìn lại lịch sử, FED gần như không có kỳ tích về những lần "hạ cánh nhẹ nhàng" và hầu hết đều tạo ra chuỗi những khủng hoảng tài chính sau đó.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, nhận định các quốc gia mới nổi đang ở trong tình trạng tài chính mạnh hơn so với trước kia.
Nhiều nước đã tăng cường dự trữ ngoại tệ. Các ngân hàng trung ương có thể sử dụng ngoại tệ để mua và hỗ trợ tiền tệ của quốc gia, đáp ứng các khoản thanh toán nợ nước ngoài trong khủng hoảng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia phải gánh chịu cú sốc tài chính. Quốc gia có rủi ro tài chính cao nhất là Sri Lanka, đất nước vào tháng trước đã tạm ngừng trả nợ nước ngoài trong khi thực hiện chương trình tái cơ cấu khoản vay với IMF. Các quốc gia khác cũng ở mức rủi ro đáng báo động là Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mozambique.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, lãi suất Mỹ tăng không phải lúc nào cũng là thảm họa đối với các nước đang phát triển trên thế giới. Thậm chí sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia xuất khẩu hàng vào thị trương Mỹ khi doanh nghiệp và người tiêu dùng vay để tiêu dùng. Tăng giá nguyên liệu thô mang lại doanh thu cho các nhà xuất khẩu hàng hóa như Nigeria (dầu) hay Brazil (đậu tương).