Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Trung Quốc có thể phải đánh đổi bằng gánh nặng nợ

Lê Thị Xuân Phương 08:12 | 16/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay, bất chấp những rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, gián đoạn do những chính sách phòng dịch nghiêm ngặt gây suy yếu nền kinh tế của nước này. Theo các nhà quan sát thị trường, Trung Quốc có thể sẽ gánh thêm nợ khi cố gắng đạt được các mục tiêu tăng trưởng của mình.

Bắc Kinh trước nguy cơ tăng gánh nặng nợ để 'cứu' nền kinh tế

Tại cuộc họp Bộ Chính trị gần đây, các quan chức Trung Quốc khẳng định nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp dự kiến sẽ triển khai bao gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế, thúc đẩy các chính sách kích cầu tiêu dùng và các hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao như vậy của Trung Quốc. Các ngân hàng đầu tư nước ngoài dự đoán tăng trưởng của nước này năm nay sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái, xuống dưới mức 5,5% khi hoạt động sản xuất giảm trong tháng 4.

“Để đạt được mục tiêu 5,5%, Trung Quốc có thể phải gia tăng vay nợ trong tương lai và gánh thêm nợ”, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của ANZ Research Betty Wang và chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc Zhaopeng Xing cho biết.

Tương tự, ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs cũng nhận định Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế bất chấp nguy cơ gánh nặng nợ quốc gia phình to. Tuy nhiên, thách thức của Chính phủ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng là các biện pháp phòng dịch COVID đang được siết chặt khắp nơi, ông Tilton nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 5 đã kêu gọi một nỗ lực toàn diện để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh nước này đang vật lộn để giữ cho nền kinh tế ổn định kể từ khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất bắt đầu khoảng hai tháng trước.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc tăng chi tiêu tài khóa cũng như nới lỏng các giới hạn nợ sẽ tốt hơn là nới lỏng tiền tệ, ông Tilton chia sẻ với CNBC.

Một lựa chọn cho Chính phủ Trung Quốc là phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, ông Tilton cho biết thêm. Đây là những trái phiếu được phát hành bởi các đơn vị do chính quyền địa phương và khu vực thành lập để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng.

Trong khi thị trường bất động sản được cho là có nhiều triển vọng nhận tác động aln tỏa từ các biện pháp hỗ trợ như vậy, Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các nhà băng hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Tilton thông tin.

Theo nhiều nhà phân tích, việc vay nợ nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng sẽ là một bước lùi đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang cố gắng cắt giảm nợ trước khi đại dịch bắt đầu.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã đặt trọng tâm cắt giảm nợ ở lĩnh vực bất động sản bằng cách thực hiện chính sách “ba lằn ranh đỏ” nhằm cảnh báo các nhà phát triển sau nhiều năm tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi nợ quá nhiều. Chính sách này xác định các ngưỡng cho vay với doanh nghiệp bất động sản, cụ thể: tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản không bao gồm các khoản thu trước dưới 70%, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 100% và tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn bằng một.

Tuy nhiên, việc siết chặt kiểm soát thị trường bất động sản đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái khi "đế chế" Evergrande và một số nhà phát triển khác đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Dự báo GDP không đạt mục tiêu

Cho đến nay, nhiều chính sách phòng dịch nghiêm ngặt đã được áp dụng tại hai thành phố lớn nhất đất nước Thượng Hải và Bắc Kinh, khiến hàng triệu cơ sở kinh doanh đóng cửa, bên cạnh những hạn chế đi lại đối với người dân làm sụt giảm tiêu dùng.

Chính sách zero-COVID của Trung Quốc được cảnh báo sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp. Gần 60% doanh nghiệp châu Âu tại nước này đang cắt giảm dự báo doanh thu năm 2022, theo một cuộc khảo sát vào cuối tháng trước của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc.

Trong các doanh nghiệp Trung Quốc, hoạt động sản xuất và dịch vụ trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cú sốc đầu tiên của đại dịch vào tháng 2/2020. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của dịch vụ Caixin (một cuộc khảo sát nhằm đo lường hoạt động sản xuất của Trung Quốc) cho thấy mức giảm mạnh xuống 36,2 điểm trong tháng 4, theo dữ liệu đưa ra hôm 12/5.

Các ngân hàng đầu tư và các nhà phân tích khác dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay sẽ giảm đáng kể, dao động từ hơn 3% đến khoảng 4,5%.

Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Lombard Odier đưa ra dự báo, với tác động của đợt bùng phát dịch COVID đối với tiêu dùng và sản xuất công nghiệp trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 4,3%, với giả định nền kinh tế có thể bắt đầu phục hồi trước tháng 6 và cải thiện dần dần sau đó.

Giám đốc đầu tư ngân hàng Lombard Odier Stephane Monier nhận định: “Nếu nền kinh tế tiếp tục hứng chịu những cú sốc từ việc đóng cửa liên tiếp đối với các khu vực thành thị trọng điểm, tăng trưởng cả năm chắc chắn sẽ giảm xuống dưới 4%."

 

Gần đây, Trung Quốc nới lỏng phòng dịch với Thượng Hải khi tình hình dịch bệnh ở thành phố này có chuyển biến tích cực. Ngày 15/5, thành phố ghi nhận 1.369 ca nhiễm giảm so với 1.681 ca một ngày trước đó. Thành phố báo cáo không có trường hợp mới nào ngoài khu vực cách ly. Đây là yếu tố then chốt để các nhà chức trách thành phố xác định thời điểm có thể mở cửa trở lại.

Các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa và siêu thị sẽ bắt đầu hoạt động trở lại, cho phép mua sắm một cách có trật tự, trong khi chợ rau củ sẽ cung cấp với sản lượng hạn chế, Phó thị trưởng Thượng Hải Chen Tong nói trong một cuộc họp báo hôm 15/5. Ông không đưa ra chi tiết cụ thể về tốc độ và mức độ mở cửa trở lại hoàn toàn. 

Tuy nhiên, ở phần lớn các quận của Bắc Kinh, các nhà hàng đã đóng cửa, người dân đã được khuyến khích ở nhà và làm việc tại nhà. Các công viên và các địa điểm vui chơi giải trí khác đã ngừng hoạt động. Ở quận Chaoyang, người dân được nhắc nhở bằng tin nhắn và một số trường hợp được xét nghiệm COVID-19 hàng ngày khi thủ đô Bắc Kinh đang nỗ lực để cắt các chuỗi lây nhiễm.

Ngày 15/5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận thêm 1.789 ca nhiễm mới, gồm 239 ca có triệu chứng và 1.789 ca không có triệu chứng, trong vòng 24 giờ.