Xuất khẩu Trung Quốc sang Nga giảm đáng kể
Nga vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine, các công ty Trung Quốc đến nay đã tránh đưa ra những bình luận công khai về diễn biến xung đột, tuy nhiên tờ thời báo phố Wall (WSJ) cho biết một số công ty đại lục đang có dấu hiệu giảm xuất khẩu vào thị trường Nga.
Trong số các công ty Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Nga có cả Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp thiết bị số 2 tại Nga, sau HP Inc., vào năm ngoái.
Xiaomi, hãng điện thoại số hai ở Nga vào năm ngoái sau Samsung Electronics Co., cũng đã cắt giảm sản lượng đến Nga.
Trước đó, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI đã bất ngờ thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh của mình ở cả Nga và Ukraine vào tháng trước sau các cáo buộc của Ukraine về việc Nga sử dụng máy bay không người lái của DJI trong cuộc xung đột.
"DJI thực hiện hành động này không phải để đưa ra tuyên bố về bất kỳ quốc gia nào, mà là để làm sáng tỏ các nguyên tắc của chúng tôi", một phát ngôn viên của công ty cho biết. "DJI phản đối hành vi sử dụng máy bay không người lái nào cho các mục đích gây hại”.
Dữ liệu thương mại chính thức từ chính phủ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm 27% về giá trị trong tháng 3 so với tháng 2. Trong đó, giá trị xuất khẩu máy tính xách tay giảm hơn 40%, smartphone giảm gần 2/3 và xuất khẩu các trạm phát sóng viễn thông giảm 98%.
Trước đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt lên Nga nhiều đợt trừng phạt sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2. Các nhà sản xuất chip lớn của Mỹ yêu cầu đối tác là các công ty Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và đảm bảo chip bán dẫn do các công ty này sản xuất không nằm trong những hàng hóa được vận chuyển đến Nga. Mỹ đã đe dọa trừng phạt các công ty Trung Quốc không tuân theo quy định.
Bộ Thương mại Trung Quốc tháng trước thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm gián đoạn thương mại của Trung Quốc với Nga, nhưng đồng thời kêu gọi các công ty đưa ra các tuyên bố và động thái không phù hợp.
Sự sụt giảm mạnh xuất khẩu công nghệ sang Nga cho thấy bản chất sâu rộng của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và khả năng thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng của họ để tác động đến quyết định của các công ty có trụ sở nước ngoài, ngay cả khi quan điểm đó khác biệt với Chính phủ của các quốc gia nơi các công ty đó đặt trụ sở.
Trung Quốc đã mở rộng các biện pháp chống lại tác động từ các lệnh trừng phạt của nước ngoài, bao gồm những quy tắc có thể cho phép công ty Trung Quốc không tuân thủ các lệnh trừng phạt mà họ cho là không hợp lý. Thế nhưng cho đến nay, các biện pháp này chưa phát huy nhiều tác dụng rõ rệt.
Ở một góc nhìn khác, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga và ảnh hưởng của nó đến các công ty Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cũng như thúc đẩy Trung Quốc trong việc phát triển chuỗi cung ứng độc lập với công nghệ Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra bao gồm kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn xuất khẩu sản phẩm quốc phòng hoặc các sản phẩm được sản xuất bằng thiết bị, phần mềm hoặc bản thiết kế của Mỹ sang Nga, ngay cả khi những sản phẩm đó được sản xuất bởi các công ty không thuộc Mỹ. Các biện pháp này đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ.
Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã đe dọa sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc nếu họ không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Đến tháng 4, bà này tuyên bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các đồng minh đã làm giảm hơn một nửa hàng hóa công nghệ cao xuất khẩu sang Nga, đồng thời khiến Nga rơi vào tình trạng thiếu chip bán dẫn.