Khi Trung Quốc duy trì 'Zero-COVID', lạm phát tiếp tục tăng trong tháng 4
Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 1,5% ghi nhận hồi tháng 3. Con số này cũng vượt quá dự báo 1,9% mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg.
Chuyên gia thống kê Dong Lijuan từ NBS cho hay: “Trong tháng 4, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 trong nước cũng như tình hình giá thế giới tiếp tục tăng, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 0,4% so với tháng trước và 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí vận tải và nhu cầu dự trữ lương thực thực phẩm tăng cao. Cụ thể, giá khoai tây tăng 8,8%, trứng tăng 7,1% và hoa quả tươi tăng 5,2%”.
Một yếu tố góp phần bình ổn giá tiêu dùng là việc giá thịt lợn, mặt hàng có trọng số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI tại Trung Quốc, giảm 33,3% so với tháng 4/2021.
Lạm phát tiêu dùng cơ bản (CPI lõi) tăng 0,9% trong tháng 4, giảm so với mức tăng 1,1% hồi tháng 3, phản ánh các yếu tố tăng giá chủ yếu đến từ những mặt hàng dễ biến động là lương thực thực phẩm và năng lượng.
Trong khi lạm phát giá tiêu dùng có xu hướng tăng, lạm phát giá sản xuất tại Trung Quốc lại hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4, giảm nhẹ so với mức tăng 8,3% hồi tháng 3. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn mức dự báo 7,7% mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của Bloomberg.
Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định: “Lạm phát CPI tăng trên 2% trong khi lạm phát PPI giảm xuống. Mức tăng của CPI một phần được thúc đẩy bởi các biện pháp phong tỏa một số thành phố, dẫn đến hành động mua và tích trữ trong hoảng loạn của người tiêu dùng. Khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng dần được giải quyết, áp lực lạm phát có thể biến mất”.
Tuy nhiên theo ông Zhang, ở thời điểm hiện tại, lạm phát không phải là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. “Thách thức chính vẫn là cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn các đợt bùng phát do biến chủng Omicron và việc ổn định tăng trưởng kinh tế ”.
Ở các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, lạm phát hiện là mối quan ngại hàng đầu. Chỉ số CPI tại Mỹ trong tháng 3 đã tăng vọt lên 8,5%, mức kỷ lục kể từ năm 1982. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, CPI hàng năm cũng đạt kỷ lục 7,5% vào tháng 4.
Ngân hàng Thế giới cho biết khoảng 71% trong số 109 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã ghi nhận mức lạm phát từ 5% trở lên vào năm 2021, cao gấp đôi so với cuối năm 2020.
Như vậy, để so sánh, mặc dù lạm phát CPI tháng 4 tại Trung Quốc tăng so với tháng 3 nhưng vẫn ở mức thấp. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo CPI Trung Quốc năm nay không vượt quá mức mục tiêu 3% mà Bắc Kinh đặt ra.
Theo giới chuyên gia phương Tây, một nguyên nhân khiến Trung Quốc ít bị tác động bởi lạm phát từ yếu tố cầu kéo hơn là Mỹ, là bởi cho đến nay, động lực đầu tư vẫn đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP quốc gia của Trung Quốc hơn là tiêu dùng. Tuy nhiên, tác động từ lạm phát nhập khẩu vẫn tương đối lớn, bởi Trung Quốc mua lượng lớn dầu, khí đốt và ngũ cốc từ nước ngoài.