Để nâng tầm, sản xuất nông nghiệp cần chuyển đổi tư duy
Sản xuất nông nghiệp cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo thế và lực mới cho doanh nghiệp.
Gắn kết nông nghiệp với công nghiệp
Chiều 4/3/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cùng các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh khi đã ban hành nhiều chính sách trong phát triển ngành nông nghiệp, đưa kinh tế ở lĩnh vực này không ngừng phát triển đi lên, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã nỗ lực rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do hạn mặn ngày càng khốc liệt. Tỉnh đã có sự chủ động trong chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý, xây dựng lịch thời vụ né hạn mặn, tích trữ nước ngọt giúp sản xuất của bà con đạt thắng lợi, điển hình là vụ lúa Đông Xuân 2021 này đã đạt kết quả tích cực.
Cần quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất, như vậy mới nâng cao được giá trị nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm nông nghiệp du lịch, nông nghiệp sinh thái, người dân cần xây dựng chuỗi liên kết tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Thứ trưởng cũng lưu ý, hiện nay, Sóc Trăng đã xây dựng tốt mô hình kinh tế tập thể, song, tỉnh cần quan tâm gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, chuyển đổi tư duy từ chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, có sự bảo quản, chế biến tốt nông sản sau thu hoạch, để khắc phục rủi ro mùa vụ, đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực dạy nghề vùng nông thôn, kích hoạt phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ ở vùng nông thôn, phát triển lúa thơm, lúa đặc sản mà tỉnh có thế mạnh…
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, nhờ thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nên tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương đạt kết quả đáng phấn khởi. Riêng năm 2020, sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; trong đó lúa đặc sản chiếm trên 52%. Sản lượng thủy sản đạt trên 325 ngàn tấn… Tập trung phát triển diện tích cây ăn trái chất lượng cao, tỉnh đã mở rộng diện tích cây ăn trái nâng tổng diện tích được gần 28 ngàn ha, tỉnh đã xây dựng được 46 mã code ở 16 vùng trồng với diện tích 442 ha, tập trung ở các loại cây xoài, vú sữa, nhãn, bưởi xuất khẩu sang thị trần châu Âu, Hoa Kỳ,…
Trước đó, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát một số mô hình nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng. Đoàn đã đến thăm Doanh nghiệp Hồ Quang Trí và nghe Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua trình bày quá trình lai tạo, canh tác lúa thơm, cho ra đời các giống lúa đặc sản giống ST; trong đó có ST25, ST24 là những giống lúa cho gạo được công nhận ngon nhất, nhì thế giới. Đại diện doanh nghiệp Hồ Quang Trí cũng nêu những thuận lợi, khó khăn và các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thông minh tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng.
Tạo thế đứng tự tin cho doanh nghiệp trên thị trường
Trả lời phỏng vấn baodautu.vn nhân dịp đầu xuân mới 2021, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh yêu cầu cần kích hoạt tư duy kinh tế nông nghiệp.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Đại hội XIII xác định mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời xác định 3 định hướng chủ đạo: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.
Chúng ta đã có những mô hình nông nghiệp hiệu quả. Vấn đề là làm sao để lan tỏa rộng hơn và có chính sách đồng bộ hơn, từ đó, kích hoạt nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ.
Nền nông nghiệp không chỉ được coi trọng ở quá trình sản xuất, mà cần phải ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì, thương mại điện tử. Qua đó, với từng sản phẩm, chúng ta sẽ chia ra từng phân khúc khác nhau để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường, từng hiệp định thương mại mà chúng ta tham gia.
Đại hội XIII đã đưa ra giải pháp tăng cường nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác.
“Vấn đề cốt lõi là chúng ta phải phát huy những thành tựu của 5 năm qua, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tạo ra những điểm nhấn, những cú hích mới, bằng những tư duy mới để cùng nhau theo đuổi mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng đột biến”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, để khắc phục điểm yếu sản xuất nhỏ lẻ, Đại hội XIII đã đưa ra giải pháp tăng cường nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác.
Chúng ta đã định vị vai trò của hợp tác xã ở một vị trí cao hơn trong tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp. Bởi chính hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ, cầu nối giữa người sản xuất nhỏ lẻ với thị trường thông qua doanh nghiệp.
Nhà nước không nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ cá thể, mà hỗ trợ thông qua các hợp tác xã, như vậy mới kích hoạt được chuỗi hợp tác của nông dân với nhau. Từ đó, tạo ra mối liên kết chặt chẽ như kiềng ba chân gồm nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Muốn thế, chúng ta cần xác định lại thị trường, bởi thị trường sẽ quyết định sản xuất từ quy mô đến chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là những vấn đề đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII.
Đánh giá về việc các tập đoàn tư nhân lớn đã tham gia sâu vào sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng vui mừng, bởi điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp rất tâm huyết với nông nghiệp. Dù nông nghiệp không phải lĩnh vực có thể sinh lợi ngay và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng doanh nghiệp vẫn trở lại đầu tư, không phải chỉ để làm giàu cho chính mình, mà còn muốn tạo ra “cú hích” cho sự thay đổi ngành nông nghiệp.
Với nhận thức đó, các doanh nghiệp từ chỗ tự ti trở nên tự tin, tạo được thế đứng trên thị trường, đưa nông sản Việt vươn ra 200 nước trên thế giới. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, vì cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, mà người dẫn dắt trong kinh doanh chính là doanh nghiệp.
Bất kể trong môi trường tự nhiên hay xã hội, đều có những đại bàng và bầy chim sẻ theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Chúng ta muốn có nhiều đại bàng để dẫn dắt và cũng cần đàn chim sẻ khổng lồ. Đó là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đầu tư ở các địa phương. Đó là những bạn trẻ trở về từ các đô thị, hấp thu được hàm lượng tri thức để khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, thương mại điện tử.
“Tôi nghĩ những điều này sẽ tác động có tính lan tỏa ở cộng đồng không kém gì những đại bàng, những doanh nghiệp lớn. Điều quan trọng là phải hợp lực họ lại để tạo ra sức mạnh”, ông Hoan nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng cơ quan có liên quan dần dần đi theo mô hình ở nước ngoài là những người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép.
“Chúng ta phải tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa người nông dân. Giống như ở những quốc gia tiên tiến, nông nghiệp được xem là một nghề và được cấp chứng chỉ ngành nghề hẳn hoi, chứ không phải là không biết làm gì thì ra làm ruộng”, theo ông Hoan.
Minh Hoa