Tập trung chế biến sâu để tăng năng lực cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam
Sáng 29/8, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Tại đây, các chuyên gia nhận định trong quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn rất hạn chế trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. Thêm vào đó là tổ chức sản xuất chuyển đổi chậm, vẫn chủ yếu dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ (9,1 triệu hộ nông dân), thiếu bền vững khi xu hướng tăng đầu vào để nâng cao năng suất và phòng, chống dịch bệnh phức tạp còn khá phổ biến.
Đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế chiếm chủ yếu, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại so với nhiều nước khác.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Thông tin, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, nền nông nghiệp nước ta hiện nay về cơ bản vẫn sản xuất sản phẩm thô, ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn, sức cạnh tranh với khu vực và thế giới chưa cao.
Trao đổi với phóng viên DNVN, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, trong bối cảnh tổng cầu giảm, để xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu cần tập trung vào các mặt hàng chế biến sâu. “Nếu đưa hàng tươi thì không thu về nhiều lợi nhuận, do thời gian vận chuyển quá lâu, sản phẩm của chúng ta không thể kéo dài và giữ được chất lượng. Với mặt hàng chế biến sâu, ta có thể tăng kim ngạch, tăng thị trường”.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho rằng: “Muốn năng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tự nhìn nhận mình, hiểu sâu sắc lĩnh vực mình kinh doanh, hiểu về đối thủ cạnh tranh, thị hiếu từng thị trường và điều kiện nhập khẩu từng vùng để có thể đáp ứng.
Hiện nay, rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều này. Bằng chứng là việc nhiều đơn vị có vi phạm chất lượng, dẫn tới không thể xuất khẩu, bị trả về. Hay vẫn còn lô hàng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bị cấm. Có thể nguyên nhân dẫn đến vấn đề này từ thói quen của nông dân trong quá trình sản xuất, chưa nhận thức được vấn đề.
"Nhưng cũng có yếu tố chủ quan là vì lợi nhuận trước mắt nên sẵn sàng vi phạm. Ví dụ như vừa rồi, tại thị trường Trung Quốc thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lô hàng vi phạm về mã số vùng trồng (sản phẩm xuất sang không đúng được trồng ở vùng đó), hay việc sầu riêng chưa đến tuổi nhưng bà con vẫn cắt để bán. Tất cả đã khiến Trung Quốc đã trả hàng hoá về. Về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả ngành, thậm chí là ngưng việc xuất khẩu, dẫn tới hậu quả rất lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Với ngành thuỷ sản, một trong những mặt hàng chịu tác động mạnh nhất của việc giảm cầu, ta không thể cạnh tranh với tôm giá rẻ, hay cá giá rẻ, nhưng việc tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là hướng đi bền vững và lâu dài. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết: “Trong khối CPTPP, chúng ta đang có sản lượng xuất khẩu lớn nhất sang Nhật Bản với 63% thị phần. Đây cũng là thị trường truyền thống, phù hợp với lợi thế chế biến sâu của ngành thuỷ sản Việt Nam mà các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador khó cạnh tranh. Ngoài ra, các quốc gia khác như Oxtraylia, Singapore cũng rất ưa chuộng sản phẩm chế biến sâu của chúng ta, và ngành thuỷ sản đã tận dụng được lợi thế này trong bối cảnh khó khăn”.
Cũng theo bà Hằng, tuy không có những khó khăn về công nghệ chế biến, thế nhưng câu chuyện giá thành sản xuất và giá xuất khẩu để có thể cạnh tranh với các đối thủ vẫn là bài toán lớn. “Ví dụ như với hàng giá trị gia tăng thì đối thủ lớn nhất là Thái Lan, không chỉ ở Nhật Bản, Mỹ hay EU mà còn ở nhiều thị trường khác. Do vậy, chỉ có giảm giá thành sản xuất thì chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh với hàng giá trị gia tăng của Thái Lan”.
Trao đổi thêm về vấn đề giá chi phí nuôi tôm tăng cao trong thời gian gần đây, bà Hằng chia sẻ: “Ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng hiện nay có 2 vấn đề lớn là chi phí đầu vào, liên quan đến thức ăn chăn nuôi và con giống, chiếm tới 70% cơ cấu giá thành nuôi tôm, mà chúng ta đều phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài nên không thể kiểm soát được giá và chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất và giá thành. Chính điều này đã khiến chúng ta khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu”.
“Nâng cao năng suất, chất lượng bằng cách tập trung vùng nuôi tôm để giảm chi phí, tăng năng suất và chủ động nguồn thức ăn, con giống là những yếu tố quan trọng để chúng ta có thể cạnh tranh với các nước đang chạy rất nhanh như Ấn Độ và Ecuador”, vị chuyên gia thuỷ sản đánh giá.