Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3-3,5% năm 2024

Trang Mai 09:01 | 30/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Những người làm nông nghiệp cảm thấy rất hạnh phúc với những kết quả đạt được” là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm nay.

Tại họp báo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết năm 2024, Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP  toàn ngành 3- 3,5% với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD, tăng 2-4% so với năm 2023.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Mai Trang

 Ngành nông nghiệp đặt kế hoạch xuất khẩu 54-55 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Thứ trưởng đánh giá, ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản...

Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, toàn ngành đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như GDP đạt 3,83%, cao nhất trong 10 năm gần đây. 

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.

 

Bên cạnh những sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (1.200 tỷ đồng).

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, nước ta đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Trao đổi với phóng viên bên lề họp báo về triển vọng toàn ngành trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: "Sau nhiều năm tái cơ cấu, quy mô các ngành hàng nông nghiệp đã rất rõ và liên kết ngày càng chặt chẽ. Đấy chính là "rủi ro chia sẻ và lợi ích hài hòa" mà chỉ có vào chuỗi thì chúng ta mới có sự phát triển bền vững và nhanh.

Về thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, ngày 8/1/2023 quốc gia này đã hết "Zezo Covid", ngay lập tức Thủ tướng đã chỉ đạo họp và mở cửa tối đa tất cả các tỉnh biên giới. Đồng thời ta thấy rằng các nghị định thư từng bước được ký kết đã giúp nước ta có được nhiều lợi thế. Thứ ba là lợi thế về hạ tầng đã giúp chúng ta có trao đổi hai chiều thuận lợi hơn. Ngoài ra, về kiểm dịch động vật và thực vật cũng sẽ cắt giảm các thủ tục hành chính để đảm bảo nhanh, tốt và chính xác hơn", Thứ trưởng nhận định về những lợi thế ngành nông nghiệp đang có để làm bước đệm cho sự phát triển trong năm tới. 

Ngoài ra, vị lãnh đạo ngành nhận định, nước ta cũng có nhiều mặt hàng tiềm năng như dừa với 194.000 hecta, sản lượng khoảng 1,9 triệu tấn mới được kiến nghị thư Chính phủ; 7 doanh nghiệp mới được xuất yến sang Trung Quốc với một cái sản lượng trên 200 tấn cũng là một cái quy mô rất lớn.

Xét về quy mô thị trường, Trung Quốc đang chiếm 23% thị phần xuất khẩu nông sản, đứng thứ 2 là Mỹ với 21%, Nhật Bản 7,3%, Hàn Quốc 4%, còn lại là Châu Âu và các thị trường khác với hơn 40%. "Căn cứ vào thị trường và cơ cấu sản xuất để chúng ta thúc đẩy đối tượng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các thị trường. Như thế chúng ta sẽ về đích được", Thứ trưởng Tiến nhận định.