Cổ phiếu ngành nông nghiệp sẽ 'sáng' dịp cuối năm?

Trang Mai 17:04 | 20/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhìn chung, với triển vọng giá cả và thị trường sẽ dần cải thiện về cuối năm, các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi, thuỷ sản, lúa gạo, mía đường... sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.

Triển vọng giá thịt heo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao do nguồn cung thiếu hụt

Theo thống kê của phóng viên, giá thịt heo sau khi duy trì ở vùng 50.000 – 52.000 đồng/kg trong tháng 4 đã tăng mạnh lên 60.000-62.000 đồng/kg trong tháng 6. Hiện giá heo trong khu vực miền Bắc ghi nhận mức cao nhất nhất cả nước. 

 Nguồn: ANOVA FEED, GSO, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, VCBS tổng hợp

Theo phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có 3 nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, đến từ việc thiếu hàng cục bộ xuất phát từ đợt dịch tả heo châu Phi trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt tăng bởi mùa du lịch đã bắt đầu. Cùng đó, lượng tái đàn còn chậm đã dẫn đến nguồn cung giảm và  giá heo lao dốc sâu trong thời gian trước khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng, hạn chế nguồn cung ra thị trường. 

Do đó, tổng đàn lợn của Việt Nam bị mất khoảng 20 – 25% so với bình thường, nguồn cung heo năm 2023 sẽ không có biến động lớn vì nhiều hộ chăn nuôi khó tái đàn ngay lập tức với quy mô lớn sau khi đã chịu lỗ trong hai năm liên tiếp. 

 Nguồn: ANOVA FEED, GSO, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, VCBS tổng hợp

Mức lạm phát duy trì ở mức thấp, mặc dù tăng trở lại trong tháng 6 và 7 do giá thực phẩm, song mức lương cơ bản gia tăng là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ không bị ảnh hưởng. Cùng đó, làn sóng dịch bệnh mới cùng với lũ lụt tại Trung Quốc có thể làm giảm nguồn cung, đẩy giá thịt heo tăng trở lại, điều này có thể ảnh hưởng một phần đến thị trường heo của Việt Nam.

Xét về một số doanh nghiệp chăn nuôi heo niêm yết, tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm nhìn chung có sự trầm lắng. Mảng kinh doanh chính không đem lại nhiều lợi nhuận, lại thêm sự ghì lại của loạt chi phí tài chính, bán hàng. Thay vào đó, nguồn thu đến nhiều từ kinh doanh khác như bất động sản, mua bán tà sản. 

Điển hình như tại Dabaco  (mã: DBC), luỹ kế 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.787 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán hàng giảm 12% xuống 4.880 tỷ. Bù lại, doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng tăng 8% lên 308 tỷ; doanh thu kinh doanh bất động sản, xây dựng tăng gần 5 lần lên 754 tỷ đồng (khoản thu bất động sản này được ghi nhận trong quý II). Nhưng do quý I lỗ 321 tỷ, nên dù quý II lãi lớn, lũy kế lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt 6 tỷ đồng, giảm 73% so với quý II/2022.

Hay tại  Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lãi trước thuế và sau thuế giảm 16% và 22% xuống 388 và 405 tỷ đồng, lợi nhuận chủ yếu thuộc về công ty mẹ. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận mảng chuối luôn chiếm ưu thế trong từng tháng, “cứu vớt” mảng heo khi ghi nhận lợi nhuận không đáng kể. 

Hay tại BAF  (mã: BAF), doanh thu 6 tháng đạt 2.455 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 17%, lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ, và mới chỉ hoàn thành 5,3% chỉ tiêu năm. Tại ĐHĐCĐ 2023, dù đại diện doanh nghiệp có chia sẻ về kỳ vọng bù đắp được tổn thất trong quý I nhờ giá heo hơi phục hồi, nhưng diễn biến quý II cho thấy tình hình thực hiện kế hoạch của BAF đang chưa được như kỳ vọng. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu 3.303 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nửa đầu năm ngoái công ty lãi sau thuế 33,4 tỷ đồng thì nửa đầu năm nay chịu lỗ lên đến 347,6 tỷ đồng. Một phần nguyên nhân đến từ chi phí tài chính và bán hàng tăng mạnh. 

Nhìn chung, trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi ghi nhận bức tranh kinh doanh có phần ảm đạm. Do đó, kỳ vọng giá heo tăng dần về cuối năm sẽ là điểm mấu chốt để cải thiện doanh thu và lợi nhuận. Do đó, những mã cổ phiếu như HAG, BAF, DBC,... sẽ khá tích cực thời gian tới. 

Mảng xuất khẩu cá tra kỳ vọng phục hồi về cuối năm

Theo số liệu mới nhất từ Vasep, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8 đạt 170 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 13% trong tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%). 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.

 Nguồn: Agromonitor, VASEP, VCBS tổng hợp

Trong nhiều tháng trước đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng liên tục sụt giảm do giá thực phẩm tại Mỹ đã lên quá cao, người dân Mỹ đã cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, do đó xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự đoán sau khi mở cửa trở lại, sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến. 

Theo phân tích triển vọng kinh tế Việt Nam mới công bố của Chứng khoán VCBS, tình hình cuối năm được kỳ vọng sẽ “sáng” hơn trong bối cảnh nhu cầu trữ kho tại các thị trường xuất khẩu tăng khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội. 

Việc các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, kỳ vọng thu hút được nhiều bạn hàng hơn. Lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này. Hiện hàng tồn kho bên Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng của họ sẽ quay trở lại phục vụ mùa cao điểm lễ hội trong quý III có thể là yếu tố hỗ trợ giá cá tra tại khu vực Bắc Mỹ. 

Nguồn cung cá tra có thể thiếu hụt khi giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, giá cá tra có thể sẽ tăng trở lại. 

Hoạt động vận tải được khơi thông với giá cước vận tải xuống mức rất thấp so với cùng kỳ, nguồn cung tàu và thiết bị container đã đáp ứng đủ tại các cảng Châu Á, trong khi đó các cảng tại Mỹ hầu như đạt tối đa công suất cho thấy tình trạng tắc nghẽn đã dần được xử lý.

 Nguồn: Agromonitor, Investing

Theo TS Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết: “Đầu tháng 9, một khúc quanh đi lên sáng sủa xuất hiện ở ngành cá. Đợt xem xét hành chính lần thứ 19, mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cá tra cho hai bị đơn bắt buộc là 0% (Vĩnh Hoàn) và 0,14 USD/kg (Caseamex). Một số doanh nghiệp là bị đơn tự nguyện theo mức thuế 0,14 USD/kg. Như vậy, đầu mối doanh nghiệp bán cá vào Hoa Kỳ tăng lên và chi phí có phần nhẹ thở hơn so với lúc trước. Điểm tích cực, rất đáng khen ở đây, là hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đã chuẩn bị hồ sơ sổ sách rất tốt để nỗ lực vượt qua khó khăn đang diễn ra”.

VCBS đánh giá VHC và ANV sẽ tích cực khi các đơn vị tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và tình hình sẽ được cải thiện rõ rệt trong 2 quý cuối năm

Giá lúa gạo kỳ vọng tiếp tục tăng giá do nhu cầu dự trữ tăng mạnh khi nguồn cung giảm

Theo VCBS, giá gạo tiếp tục đà tăng trở lại, đạt 521,25 USD/tấn vào thời điểm cuối tháng 6, tăng 11,7% so với đầu năm. Nguyên nhân đến từ việc chất lượng của gạo Việt Nam hiện nay chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng thế giới, Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á, châu Âu tăng cường mua gạo của Việt Nam, các nhà xuất khẩu tích cực thu mua lúa để đáp ứng các hợp đồng, đẩy giá trong nước tăng cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Nhiều giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu được thu mua với giá cao, giá lúa tăng bình quân 500 – 600 đồng/kg.

Nguồn cung không tăng trong khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Hiện tượng El Nino gây ra thời tiết khô hạn tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, diện tích trồng cây lương thực giảm, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng trong thời gian tới. 

 

 Nguồn: Bloomberg, Bộ NN&PTNT, USDA

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo từ ngày 20/7, điều này sẽ khiến nguồn cung càng hạn chế khi Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Do đó, những mã như TAR, LTG sẽ tương đối tích cực.

Giá đường hạ nhiệt, đường Việt Nam tiếp tục diễn biến đi ngang do nguồn cung dồi dào

Theo Agromonitor, giá đường thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt gần đây, còn 22,86 UScents/pound vào 30/06, tăng 22,6% so với hồi đầu năm. Tại Việt Nam, đường giữ ở mức 20.700 đồng/kg cuối tháng 6, tăng 14,4% cùng kỳ năm ngoái. 

 Nguồn: ISO, Agromonitor, Bloomberg

Những nguyên nhân tác động đến giá đường đến từ nhu cầu nhập khẩu đường toàn cầu chậm lại, đặc biệt từ Trung Quốc, nước nhập khẩu đường lớn thứ hai thế giới. Cùng đó, đề xuất từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm hạn chế lượng đường tiêu thụ ở trẻ em đã tác động tiêu cực lên giá đường vì các nhà sản xuất thực phẩm có thể sử dụng ít đường hơn. Ngoài ra, giá đường tăng nhờ nhu cầu trong nước tăng cùng với giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế. 

VCBS đánh giá giá đường thế giới hạ nhiệt trong nửa cuối năm, trong khi tại Việt Nam tiếp tục đi ngang do lo ngại về nguồn cung hạn chế giảm đáng kể trong bối cảnh vụ thu hoạch mía đường niên vụ 2023/2024 tại Brazil có tiến triển tốt. Sản lượng mía dự kiến tăng 4,4% so với niên vụ 2022/2023. Thêm đó, dầu giá rẻ từ Nga khiến Ấn Độ tăng sử dụng mía để ép ngọt thay vì dùng để pha trộn nhiên liệu sinh học làm tăng nguồn cung đường trong nước. Giá đường tại Việt Nam vẫn có thể đi ngang hoặc điều chỉnh giảm do sản lượng đường của Thái Lan được dự báo thấp hơn nhiều so với mức sản xuất kỷ lục do giảm diện tích mía nhưng sản lượng xuất khẩu đã tăng gần đây.

Tại Thành Thành Công - Biên Hoà (mã: SBT) phải nhập đường thô về luyện, nói cách khác, công ty cần phải cân đối giữa sản xuất từ mía và từ đường thô nhập để ra thành phẩm. Trong bối cảnh giá mía và giá đường thô cùng tăng, trong khi giá đường luyện tại Việt Nam tăng khá chậm, lợi nhuận của công ty có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, SBT đã ghi nhận sự nới rộng biên lãi 2% khi giá đường nội địa tại các nhà máy liên tục tăng từ tháng 4 đến nay. Dự kiến đây vẫn sẽ là động lực chính cho SBT trong thời gian tới.

Còn tại Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) chủ yếu sản xuất đường từ mía, tỷ lệ nhập đường thô về luyện RE hiện vẫn ở mức khá thấp. Giá thu mua mía tăng khá chậm. Do đó, QNS ít bị ảnh hưởng về chi phí đầu vào. Trong khi đó, công ty được hưởng lợi khá nhiều từ việc sản lượng gia tăng khi chính phủ nỗ lực ngăn chặn đường nhập lậu. Theo đó, tương quan giữa giá QNS và đường ở mức khá cao. Công ty chứng khoán cho rằng giá mía đường tiếp tục neo cao sẽ có tác động tích cực cho QNS. Nhờ sản lượng mía ép vụ mùa 2022/2023 khá khả quan, dự kiến sản lượng đường đến cuối năm của QNS vẫn tăng trưởng tốt. Kết hợp với yếu tố giá bán đầu ra ở thị trường nội địa sẽ là động lực cho 2 quý còn lại năm 2023.