Để phục hồi kinh tế hậu Covid -19 cần mở rộng chính sách tài khoá, tiền tệ

16:05 | 03/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Việt Nam cần phải xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp điều hành giá, đảm bảo ổn định chi phí sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Một số biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp cho cung cầu nói chung cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, qua đó thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng.

Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp điều hành giá, đảm bảo ổn định chi phí sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng

Phối hợp chủ động, chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và tiền tệ

Nhờ vào việc ổn định giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân; việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá; các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận ở mức 1,47%, đây là mức tăng thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2016.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý ngân quỹ nhà nước. Hoạt động điều chuyển tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính, tại các tổ chức tín dụng về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giúp hỗ trợ Kho bạc Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ, đồng thời nâng cao năng lực quản trị dòng tiền. Căn cứ vào đây, NHNN dự báo tốt hơn tình trạng thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng để có cơ sở điều tiết tiền tệ chủ động thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát.

Trong tập trung nguồn lực cho ngân sách nhà nước, NHNN thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất thị trường. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua trái phiếu chính phủ; hỗ trợ giảm lãi suất cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ, đảm bảo khối lượng huy động vốn, tập trung nguồn lực cho ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu.

Áp lực khôi phục sản xuất quý IV/2021

Tăng trưởng GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, kéo GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%. Đây là con số rất thấp, chưa bao giờ xuất hiện từ năm 1990 - khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý đến nay.

Bộ KH&ĐT đã trình 2 phương án kịch bản tăng trưởng quý IV/2021 trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng và mục tiêu cả năm và một số điều kiện đặt ra. Theo đó, trên cơ sở đánh giá ước thực hiện tăng trưởng GDP cả năm đạt khoản 3 đến 3,5%, với kết quả của 9 tháng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 3% cả năm thì quý IV phải đạt 7,06% trở lên. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5% thì GDP quý IV phải đạt 8,84% trở lên.

Bộ KH&ĐT đã trình 2 phương án kịch bản tăng trưởng quý IV/2021 trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng

Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam đã từng có quý đạt tăng trưởng 7%, tuy nhiên quý IV/2021 có nhiều điểm đặc biệt, phụ thuộc rất nhiều vào Đề án thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách hiện tại, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển giai đoạn tiếp theo. “Việt Nam cần phải xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách phải tổng thể, bao quát, trong đó vừa tác động đến phía cung để giảm chi phí sản xuất, vừa kích cầu để tạo đầu ra cho sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông sản xuất.

Dự kiến, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như: Du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số. Chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể), tài chính (miễn, giảm thuế, phí)…

Góp ý cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế do Bộ KH&ĐT xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng, giai đoạn tới, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Theo ông Cung, điều kiện hiện nay tốt hơn nhiều so với đợt khủng khoảng 10 năm trước, do hiện nay lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ cao, hệ thống tài chính ổn định…

Ngoài lãi suất, Chính phủ có thể mở cung tiền, tăng tín dụng, có những gói tín dụng đặc biệt. Ông Cung mong muốn Chính phủ sớm ban hành kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế. Ngoài ra, cần xem xét miễn nhiều sắc thuế, thay chỉ vì hoãn và giãn thuế. Đồng thời, cần nhanh chóng phục hồi, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng. Cùng gói hỗ trợ DN, ông Cung đề xuất các giải pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư, kiên trì tháo bỏ rào cản.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Cần Văn Lực chỉ ra, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Ông Cấn Văn Lực cho biết tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm % (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua. “Có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế”, ông Lực nói. Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ này đi kèm với lộ trình, có sự kiểm soát.

Xem thêm: Chuyên gia "hiến kế" phục hồi kinh tế TP.HCM sau giãn cách