Đề xuất nâng tỷ lệ tiền đặt trước ngăn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất
Quốc hội vừa có phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH là vấn đề xác định tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất, tránh tình trạng bỏ cọc, gây nhiễu loạn thông tin thị trường...
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đối với trường hợp xác định tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm. Vì nếu xác định tiền thuê đất nộp một năm thì giá trị rất thấp so với giá trị của lô đất, nên tiền đặt trước được tính tối đa 20% giá trị tiền thuê đất một năm không có nhiều ý nghĩa ràng buộc.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh kiến nghị Chính phủ khoảng trống pháp lý hiện nay đối với các trường hợp quyền sử dụng đất được giao đất, thu tiền thuê đất hàng năm qua đấu giá nhưng sau 5 năm lại sang chu kỳ mới. Tiền thuê đất tính lại nên giá thuê đất hàng năm qua đấu giá thực chất chỉ có ý nghĩa trong chu kỳ 5 năm đầu thuê đất mà thôi.
Nhìn các cuộc đấu giá diễn ra gần đây như quyền sử dụng đất lô 3-12 khu đô thị Thủ Thiêm với giá trúng 8,3 lần giá khởi điểm lên đến 2,43 tỷ đồng/m2; hay cuộc đấu giá cho thuê 10 năm Nhà hàng Thủy Tạ có diện tích xây dựng 280 m2 với giá trúng đấu giá 151 tỷ đồng, gấp 5 lần giá khởi điểm nhưng nhà đầu tư đều bỏ tiền đặt trước khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất luật bổ sung thêm quy định khi việc đấu giá tài sản nhà nước theo phương thức trả giá lên xuất hiện tình huống đấu giá nhiều vòng thì khi mức giá của vòng đầu tiên cao hơn giá khởi điểm từ hai lần thì người tham gia đấu giá tiếp phải nộp bổ sung tiền đặt trước để đảm bảo tỷ lệ đặt trước so với giá bắt đầu của vòng đấu giá tiếp theo.
Quy định này lại tiếp tục áp dụng nếu như giá đấu của các vòng sau đầu tiên gấp hơn từ hai lần soi mức giá phải bổ sung tiền đặt trước. Điều này sẽ khiến cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá trách nhiệm hơn với quyết định trả giá của mình, tránh tình trạng bỏ giá quá cao, sau lại bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn thông tin như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mức tối đa lên 30% hoặc 40%, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho người có tài sản hoặc các tổ chức đấu giá khi được ủy quyền trong việc xác định giá khởi điểm đối với từng loại tài sản.
Mặt khác, trong thực tế người có nhu cầu thật sự tham gia đấu giá hầu hết đã có sự chuẩn bị nguồn tài chính để mua tài sản đấu giá, thậm chí họ chuẩn bị đủ đến 100% số tiền họ dự kiến sẽ bỏ ra, cho nên họ sẽ không băn khoăn về mức tiền đặt trước là bao nhiêu.
Theo đại biểu này, việc tăng mức tiền đặt trước cao sẽ là rào chắn an toàn đối với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá mà chỉ đăng ký tham gia với mục đích như thông đồng, dìm giá để trục lợi. Hơn nữa, quy định này sẽ hạn chế được thấp nhất tình trạng bỏ cọc đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Trong khi đó, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành về tiền đặt trước.
Bởi nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá. Đại biểu cho biết thêm dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Trước những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa chế tài đối với người bỏ cọc và những gì còn có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ góp ý để hoàn thiện.
Đồng thời, Bộ cũng tính đến những vi phạm về mặt tài chính có quy định thêm về cấm tham gia đấu giá hoặc siết chặt hơn các điều kiện trong quy định của pháp luật chuyên ngành hay không. Đặc biệt, xử lý một số các vụ việc cụ thể. Ban soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt xem xét bổ sung các chế tài pháp luật quy định chặt chẽ để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách rõ ràng, đảm bảo được triển khai trong thực tế.