Nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để tình trạng bỏ cọc trong đấu giá tài sản

Nguyễn Ngọc 17:23 | 14/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản

Một trong những vấn đề được nêu ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/3 về việc cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là tình trạng bỏ cọc trong đấu giá tài sản.

 

UBTVQH nghe báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Nguồn: VGP). 

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá tài sản, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.

Trong khi đó, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

"Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước”, ông Sơn đánh giá.

Cũng theo ông Sơn, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.

Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

"Quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này", ông Sơn lý giải.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung Điều 43a tại dự thảo Luật về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn tại Nghị định số 47 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62 của Chính phủ.

Đồng thời, quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành nhằm một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; mặt khác đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để thực hiện đấu giá trực tuyến mà nên để người có tài sản lựa chọn và quyết định vì hiện nay đã có hơn 15 tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin đấu giá trực tuyến được phê duyệt.

Việc quy định bắt buộc như trên là chưa phù hợp với chủ trương xã hội hoá theo tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chưa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng và có thể dẫn đến tình trạng các Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản đã xây dựng, vận hành nhưng không còn được sử dụng, gây lãng phí cho xã hội vì tài sản đấu giá hiện nay chủ yếu là tài sản công.

"Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đối với quy định đấu giá trực tuyến đối với tài sản công phải được thực hiện qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và lộ trình khả thi thực hiện việc đấu giá tài sản công bằng hình thức đấu giá trực tuyến vì hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu không có nội dung này, ông Sơn báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Sơn nêu rõ.

 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về tài sản đấu giá, bảo đảm bao quát hết các loại tài sản thực hiện đấu giá, tránh vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện các quy định về hành vi bị cấm, các chế tài, tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước để khắc phục được thao túng các cuộc đấu giá trục lợi, việc đấu giá lại, đấu giá liên quan đến từ thiện

"Rà soát các quy định về giá khởi điểm, giám định tài sản để bảo đảm không chồng lấn với các luật chuyên ngành, rà soát các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, các đối tượng được miễn đào tạo đấu giá, quy định mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, xem xét khái niệm tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với thực tế và không tạo ra khoảng trống pháp luật",  Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý .