Đến lượt Nhật Bản bơm lượng lớn dầu từ kho dự trữ ra thị trường
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm qua thông báo, nước này sẽ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) bơm 15 triệu thùng dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Theo đó, lượng dầu 15 triệu thùng được đưa ra thị trường sẽ tương đương với mức độ tiêu thụ dầu nội địa khoảng 7-8 ngày. Quá trình bơm dự kiến được thực hiện trong nửa năm với mức bơm khoảng 80.000 thùng/ngày.
Trước đó một ngày, các nước thành viên IEA đã quyết định giải phóng 120 triệu thùng dầu trong kho dự trữ của nhóm, trong đó có 60 triệu thùng của Mỹ được rút từ kho dự trữ chiến lược. Mức đóng góp của Nhật Bản chiếm 1/4 số lượng dầu được giải phóng trong số các quốc gia, trừ Mỹ.
Đầu tháng 3, Nhật Bản dự kiến đưa ra thị trường 7,5 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp trong kho dự trữ tư nhân. Lần này mức độ cam kết "xả kho" của Nhật Bản đã tăng gấp đôi và lần đầu tiên sử dụng kho dự trữ chiến lược quốc gia kể từ năm 1978.
Tính đến cuối tháng 1/2022, Nhật Bản có lượng dầu dự trữ khoảng 470 triệu thùng, đủ cho 236 ngày tiêu thụ trong nước.
Khi cuộc xung đột Nga – Ukraine tác động đến thị trường năng lượng trên toàn cầu, Hàn Quốc cũng thông báo sẽ xuất kho dự trữ sẽ là 7,23 triệu thùng. Đây là khối lượng lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc cho một nỗ lực xuất kho dự trữ theo các hoạt động phối hợp quốc tế. Theo Bộ Năng lượng Hàn Quốc, quyết định trên nhằm mục đích ổn định thị trường năng lượng cả trong và ngoài nước.
Nga đóng một vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và nhà xuất khẩu lớn nhất. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh nhằm vào Nga đã làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu, đẩy giá dầu lên gần 140 USD/thùng ngày 7/3 vừa qua - mức cao kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.