ĐHĐCĐ Vietcombank: Năm 2024 đặt mục tiêu tài sản tiến sát 2 triệu tỷ đồng, sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức
Tại đại hội, số cổ đông tham dự là 114 người, đại diện cho 585 cổ đông, sở hữu gần 5,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 94,52% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã đủ điều kiện tiến hành.
Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT cho biết ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Một trong những tờ trình đáng chú ý nhất ĐHĐCĐ Vietcombank là kế hoạch phân phối lợi nhuận. Ngân hàng dự định dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ (24.987 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy vậy, tờ trình không nêu rõ sẽ chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.
Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% , điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Như vậy có thể ước tính tổng tài sản của Vietcombank sẽ tiến sát mốc 2 triệu tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8%. Ước tính, tổng huy động thị trường 1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng được giao tối đa là 15,93%. Nếu sử dụng hết hạn mức này, dư nợ tín dụng của ngân hàng sẽ lên mức 1,48 triệu tỷ đồng vào cuối 2024.
Trong năm 2024, Vietcombank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023. Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, đại diện Vietcombank từng cho biết ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết ngân hàng đặt ra 6 mục tiêu từ nay đến năm 2025 như số một về lợi nhuận, dẫn đầu chuyển đổi số, dẫn đầu quản trị rủi ro, dẫn đầu chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ESG và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.
Đến năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu các chỉ số tài tài chính trọng yếu tăng trưởng trung bình như sau: vốn chủ sở hữu tăng 22%, tín dụng tăng 14% theo phê duyệt, tiền gửi tăng phù hợp với tín dụng, đảm bảo an toàn, nợ xấu dưới 1,5%.
Tính đến hết quý I/2024, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng 3,31% (giảm chủ động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn), tín dụng giảm 0,42%, chủ yếu do tín dụng bán lẻ giảm. Thu lãi thuần giảm do tác động giảm lãi suất sâu, thu ngoài lãi giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại cũng đi xuống. Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ.
Trong năm 2024, Vietcombank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của NHNN. Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, đại diện Vietcombank từng cho biết ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%.
Thảo luận:
Ngân hàng có khoản nợ có khả năng mất vốn trong tiền gửi và cho vay TCTD khác với dư nợ là 6.200 tỷ đồng vào cuối năm ngoái và 11.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Mong lãnh đạo ngân hàng giải thích về những khoản nợ này?
Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến: Như thông tin, từ 2015 Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Đến nay, đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023 và khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Trong quý I, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng cổ phần như MB, Techcombank … đang chuyển dịch sang bán lẻ, tại sao Vietcombank lại định hướng vào lĩnh vực bán buôn? Khách hàng bán lẻ của Vietcombank sẽ là đối tượng nào?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng: Theo chiến lược của Vietcombank năm 2025 - 2030, ngân hàng định hướng 4 trụ cột: bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư. Mặc dù ngân hàng không đề cập đến bán buôn nhưng lĩnh vực này rất quan trọng, hỗ trợ cho 4 trụ còn lại.
Bán buôn hỗ trợ thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi cho bán lẻ. Mảng dịch vụ hưởng lợi từ thị phần thanh toán. Thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại chiếm 19,2%, cao nhất trong nhiều năm vừa qua. Hoạt động kinh doanh vốn kỳ vọng sẽ chiếm 16 - 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2025. Để đạt mục tiêu này, khối bán buôn rất quan trọng trong hỗ trợ, phối hợp với khối vốn và thị trường.
Về hoạt động ngân hàng đầu tư, hoạt động bán buôn cũng sẽ giúp khai thác khách hàng tiềm năng. Với bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng mua nhà BĐS gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế và vì lâu dài, Vietcombank vẫn cho tín dụng bán lẻ là chiến lược quan trọng.
Đầu tháng 5/2024, ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho sân bay Long Thành với quy mô 1,8 tỷ USD. Ngoài sân bay Long Thành, dự án thành phần cũng sẽ được Vietcombank thẩm định như đường dẫn từ TP HCM về Long Thành, hạng mục phụ trợ.
Ngoài ra, các dự án trọng điểm như dầu khí, khai thác, truyền dẫn, điện khí đang được thẩm định. Các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển, công nghiệp, cũng được gấp rút thẩm định, cấp tín dụng.
Ban lãnh đạo cho biết mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 khoảng bao nhiêu? Kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng như thế nào? Nợ xấu phát sinh trong quý I đến từ đâu? Ngân hàng có kỳ vọng ra sao về lãi suất trong thời gian tới?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng: Năm 2024, ngân hàng được NHNN phê duyệt lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023.
Hết quý I, huy động vốn TT1 đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31%, tương ứng hơn 46.000 tỷ đồng. Tín dụng giảm 0,42%, hay khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi bán buôn tăng trưởng. Doanh số thanh toán quốc tế, ngoại tệ, tăng trưởng 4,21% so với cùng kỳ, hoàn thành 98% kế hoạch quý I. Dịch vụ thẻ, bảo hiểm … tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu giảm sút như: bán buôn huy động mới giảm, bán buôn thanh toán quốc tế.
Ngân hàng đã có giải pháp khắc phục. Thu lãi thuần giảm do tác động giảm lãi suất sâu, thu ngoài lãi giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại cũng đi xuống. Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ. Nợ xấu bán buôn không phải bất ngờ, mà từ khách hàng ngày trong 2023 đã nhận diện, đưa vào nợ tiềm ẩn rủi ro và đang có giải pháp xử lý.
Do bối cảnh tình hình kinh tế, nợ xấu với bán lẻ và bán lẻ vay vốn BĐS gia tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, nợ xấu bán lẻ có khẩu vị rủi ro chặt chẽ, nên tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ cao, khả năng mất vốn không nhiều. Trái phiếu doanh nghiệp, BOT, BT, chứng khoán gần như không có nợ xấu. Hết năm 2024 sẽ cam kết kiểm soát dưới 1,5%.
Ngân hàng cho biết kế hoạch tăng vốn qua phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 6,5% đang thực hiện đến đâu?
Thành viên HĐQT Đỗ Việt Hùng: Việc triển khai tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Ngân hàng sẽ chờ đợt tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại trong năm 2022. Vietcombank đang thu xếp để nhận sự tư vấn tùy điều kiện thị trường. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện việc này trong năm 2024 và phát hành thành công 6,5% cổ phần riêng lẻ có thể từ nay đến 2025 là hoàn thành.
Ban lãnh đạo đánh giá NIM năm 2024 sẽ thế nào?
Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến: Chính phủ đã có chỉ đạo chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, khách hàng và Vietcombank đã triển khai tích cực chương trình này. Năm 2023, tổng số tiền giảm lãi suất là 6.000 tỷ đồng cho tổng dư nợ 1,1 triệu tỷ đồng. Lãi suất cho vay giảm tương ứng từ 1,5 đến 2 điểm %.
Trong năm 2023, ngân hàng đã 20 lần hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay. Từ ngày 1/4, ngân hàng đã giảm 0,5% cho khách hàng hiện hữu, kế hoạch kéo dài 3 tháng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng: NIM của ngân hàng tăng từ 2020 đến 2023 và giảm sút trong đầu năm 2024. Nguyên nhân là tốc độ lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động vốn, trong khi quy mô sử dụng vốn tăng chậm. Về cơ cấu tín dụng tín dụng trung dài hạn liên tục giảm, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng. Ngân hàng đang có giải pháp tăng tín dụng trung dài hạn, cải thiện NIM.
Khi nhận ngân hàng yếu kém thì quyền lợi như thế nào?
Thành viên HĐQT Đỗ Việt Hùng: Năm 2022, ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch chi tiết. Về lợi ích khi nhận chuyển giao, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách. Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này.
TGĐ Nguyễn Thanh Tùng: Về tiến độ, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai thì sẽ trong năm 2024. Hiện đã chỉ còn 20 gap về quy trình, quy chế.
Vietcombank cũng tổ chức tiểu ban rà soát mạng lưới, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với cán bộ quản lý, nhân viên, phát hiện gap về trình độ, chuyên môn và xây dựng chương trình đào tạo, sớm hòa nhập theo tiêu chuẩn.
Ngân hàng cũng thành lập tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho TCTD yếu kém nhận chuyển giao.
Về công nghệ thông tin, đã cử chuyên gia đồng hành cùng TCTD yếu kém để đánh giá chất lượng, năng lực, có giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động liên tục, hạn chế rủi ro.
Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập …
Tại Đại hội đã thông qua tất cả tờ trình.