Đi tìm lời giải bài toán năng lượng tái tạo
Tại Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển và đang được chú ý là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối. Những nguồn năng lượng này được cho là sạch, ít ảnh hưởng nhất cho môi trường.
Thủy điện nhỏ và những câu hỏi lớn
Sau trận mưa lũ kinh hoàng vừa xong tại miền Trung, dư luận bắt đầu nhìn thủy điện với con mắt thiếu thiện cảm. Số đông cho rằng, lũ chồng lũ, sạt lở đất một phần do thủy điện xả lũ và phá rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn, nghĩ như vậy là “oan” cho thủy điện.
Số liệu rà soát mới nhất được cung cấp cuối tháng 10/2020 từ Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, hiện nay cả nước có 431 nhà máy thủy điện đã vận hành khai thác với tổng công suất 19.720,6 MW. Các nhà máy này đóng góp khoảng 37% điện lượng trong hệ thống điện quốc gia. Có 173 dự án thủy điện (3.135,5 MW) đang thi công xây dựng. Đang nghiên cứu để xem xét đầu tư xây dựng 302 dự án thủy điện (4.670,9 MW). Có 103 dự án (986 MW) đã quy hoạch và đang xem xét chủ trương đầu tư.
Như vậy, nếu tất cả các dự án đang thi công xây dựng, đang xem xét đầu tư xây dựng và trong quy hoạch được xây dựng xong, cả nước sẽ có hơn 1000 dự án thủy điện, nâng tổng công suất lên gần 29.000 MW. Theo đó, các nhà máy thủy điện như như Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng - Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Bắc Hà, Trung Sơn, Bản Vẽ, Quảng Trị, Bình Điền, Hương Điền, Sông Bung 4, A Vương,...Trong đợt mưa lũ vừa qua, lưu lượng về các hồ thủy điện khu vực miền Trung tăng nhanh. Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du.
Hình ảnh mưa lũ ở Huế trong những ngày vừa qua. Nguồn ảnh Vnexpress.
Tuy nhiên, câu chuyện thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) dường như đang chứng minh ngược những điều trên. Sự cố sạt lở liên quan đến nhà máy này đã khiến cho hàng chục công nhân và 21 cán bộ, chiến sĩ thiệt mạng. Đây là dự án thủy điện thứ 13 tại tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp phép đầu tư xây dựng, công suất 11MW với số vốn 290 tỷ đồng. Sau khi được Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016, công suất nâng lên 13MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh.
Tại tỉnh này có đến 21 dự án thủy điện tập trung chủ yếu ở A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch và A Lin 1. Từ năm 2011, Bộ TN&MT cũng như các nhà khoa học đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện tại Thừa Thiên Huế. Trong đó, có sự tác động đến môi trường thiên nhiên của thủy điện nhỏ như Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Rào La… ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Bất chấp mọi cảnh báo, nhà máy thủy điện vẫn được xây dựng và hậu quả thảm khốc đã xảy ra như đã nói trên.
Sau khi nhận định, so sánh về hiệu quả kinh tế với sự trả giá về môi trường, sinh mạng con người, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nên dẹp những thủy điện nhỏ như Rào Trăng 3.
Đó cũng chính là những câu hỏi lớn về thủy điện nhỏ dành cho các cơ quan chức năng khi đánh đổi môi trường lấy giá trị kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, năng lượng tái tạo (NLTT) hiện nay thế giới đang khai thác bao gồm: Năng lượng mặt trời; năng lượng gió; năng lượng địa nhiệt; năng lượng sinh khối; nhiên liệu sinh học, thủy điện…
Tại Việt Nam, các nguồn NLTT có tiềm năng phát triển và đang được chú ý là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối. Những nguồn năng lượng này được cho là sạch, ít ảnh hưởng nhất cho môi trường.
Theo Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cả nước có 136 dự án điện mặt trời (ĐMT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 13.617 MWp (tương đương khoảng 10.856 MW). Các dự án điện gió đã được phê duyệt quy hoạch là 180 dự án với tổng công suất khoảng 11.800 MW. Trong đó, 11 nhà máy điện gió (tổng công suất 485 MW) và 106 nhà máy ĐMT (tổng công suất khoảng 7.144 MWp) đang vận hành khai thác.
Tính đến hết tháng 9 năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện NLTT đạt 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống, tổng sản lượng điện NLTT đạt 4,4% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
Tiềm năng phát triển NLTT của Việt Nam là rất lớn với bờ biển dài trên 3000 km, số giờ nắng tại các miền Bắc, Trung, Nam đạt từ 1.500 - 2.000 - 2.600 giờ/năm. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu nguồn điện của Việt Nam theo số liệu của Bộ Công Thương, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm áp đảo so với điện gió và điện mặt trời. Cụ thể, thủy điện chiếm 37%, nhiệt điện than 36%, trong khí đó nguồn điện NLTT đạt 11,2%.
Một chuyên gia trong lĩnh vực NLTT cho rằng, với những tiềm năng sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm NLTT của châu Á cũng như thế giới.
Vỡ quy hoạch điện mặt trời
Còn nhớ, năm 2019, văn phòng chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, áp dụng từ 1/7/2019.
Kết luận nêu rõ, giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong nước thuộc các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy việc đầu tư các dự án điện mặt trời đi vào thực chất, quy mô vận hành thương mại rất lớn khoảng 4.500MW với tiến độ xây dựng nhanh, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt cho người dân.
Tuy vậy, giai đoạn vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Cụ thể, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.
"Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương thiếu tính khoa học và thực tiễn, tính dự báo yếu kém. Chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải toả công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư", kết luận nêu.
Kết luận của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn tới.
Về câu chuyện quy hoạch điện mặt trời, Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt câu hỏi trước Quốc hội năm ngoái rằng: "Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ và công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu".
Sau đó, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại chất vấn về ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất. Giải trình việc này trước Quốc hội năm ngoái, ông Tuấn Anh cho rằng đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019. Ông cũng giải thích thêm, khi xây dựng các cơ chế là để tạo ra môi trường thí điểm cho điện mặt trời và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất. (Còn nữa)
Kim Thanh