Dịch ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ “không thay đổi mục tiêu tăng trưởng"
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có những hồi âm trả lời những băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội về tăng trưởng, giải ngân đầu tư công và áp lực lạm phát...
Tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng
Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).
Trước tình hình trên Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã họp và kiến nghị thống nhất không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, không vội điều chỉnh. Lý giải vấn đề trên Bộ trưởng cho biết, chúng ta đang khẩn trương thực hiện chương trình tiêm chủng Vaccine Covid – 19, hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII đã đi vào cuộc sống, bộ máy nhân sự mới vừa được kiện toàn sẽ có nhiều khí thế, động lực mới . Nếu có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt từ nay đến cuối năm thì sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu
Mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2021 chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi liên tục và phức tạp trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Nhiều đại biểu và chuyên gia lo ngại sẽ khó đạt mục tiêu, đặc biệt các tháng cuối năm hầu hết các mặt hàng tiêu dùng có xu hướng tăng giá mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng, CPI chỉ tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, lạm phát của Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì mức tăng thấp, chỉ 1,29% và vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành lạm phát dưới 4% của năm nay.
Tuy nhiên Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ không chủ quan trong điều hành, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả, điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để làm sao đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp (nguồn: Báo Đầu tư)
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Trả lời những băn khoăn của đại biểu về hỗ trợ những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, cũng như một bộ phận người dân ảnh hưởng bởi bởi đại dịch, Bộ trưởng cho biết. Vừa qua có nhiều chính sách được chính phủ ban hành, nhưng hiện tại chưa có dữ liệu cụ thể về kết quả đạt được để tìm hiểu nguyên nhân và bài học rút ra là gì, từ đó điều chỉnh cho hợp lý. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT tổng kết và sẽ sớm có kết quả báo cáo đầy đủ với Quốc hội trong thời gian tới kể cả những mặt làm được và không làm được.
Giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch
Vốn đầu tư công được coi là “mồi” để phát triển kinh tế - xã hội của các nước, Nhiều đại biểu quan ngại về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm gây ảnh hưởng đến tăng trưởng vĩ mô và thực hiện các mục tiêu kinh tế mà chính phủ đã đề ra. Bộ trưởng cho biết "tốc độ giải ngân rất thấp, mặc dù Chính phủ có rất nhiều nghị quyết, rất nhiều giải pháp, nhiều lắm đấy, không còn nghĩ ra được giải pháp gì nữa"…. Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố khác nhau trong đó có cả chủ quan và khách quan. Hiện tại Chính phủ đã ra Nghị quyết mới, sắp tới sẽ có một ban chỉ đạo liên ngành do Phó Thủ tướng đứng đầu, nhằm tháo gỡ hững khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng cho các dự án đầu tư công, đầu tư tư, ODA, PDI.
Được biết: tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 (không bao gồm 16.000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao) là hơn 584 nghìn tỷ đồng (gồm: kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là hơn 74 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là hơn 510 nghìn tỷ đồng).
Theo Số liệu của Bộ tài chính, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 10/6/2021 là hơn 117.223 tỷ đồng, đạt 22,27% kế hoạch (hơn 510 nghìn tỷ đồng) và đạt 25,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng, không bao gồm số địa phương phân bổ tăng 49.078 tỷ đồng). Trong đó: Vốn trong nước là 114.864,43 tỷ đồng (đạt 25,03% kế hoạch giao là 458.828 tỷ đồng), vốn nước ngoài là 2.359,54 tỷ đồng (đạt 4,58 % kế hoạch giao là 51.550 tỷ đồng).