Dịch COVID-19 bùng phát trở lại và câu chuyện phục hồi kinh tế ở Việt Nam

10:51 | 19/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 vừa qua ở Việt Nam đã trở thành một hàng rào mới ngăn cản, làm trì hoãn quá trình nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh tạm lắng xuống.

Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng ra sao bởi COVID-19?

Đại dịch COVID-19 xảy ra ở trên toàn cầu, ở các châu lục đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hoạt động, đời sống của người dân; đặc biệt là làm guồng máy sản xuất khắp nơi bị đình trệ.

Đây được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua, tàn phá không chỉ các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến các nền kinh tế lớn rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, thế giới đang cần có những nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đối phó với tác động của đại dịch, trên một nhận thức chung, rằng hợp tác với nhau lúc hoạn nạn là vì lợi ích của tất cả các nước.

Tại Việt Nam, làn sóng COVID-19 thứ 2 quay lại vào gần cuối tháng 7/2020 đã trở thành một hàng rào mới ngăn cản, làm trì hoãn quá trình nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh tạm lắng xuống, khi nước ta đang trong giai đoạn thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại và câu chuyện phục hồi kinh tế ở Việt Nam - ảnh 1

Còn trên thế giới, tin từ TTXVN cho biết, hồi đầu tháng 8/2020 vừa qua, Mỹ đã công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 33% trong quý II/2020 - mức yếu kém nhất kể từ năm 1947. Tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh lúc này sẽ làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ sớm phải đối mặt với làn sóng phá sản lớn.

Điều đó sẽ xảy ra khi tỉ lệ thất nghiệp cao tạo căng thẳng đến mức "không thể chịu nổi" đối với ngân sách hộ gia đình, cũng như khi áp lực gia tăng đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, nhà hàng, bán lẻ và giải trí.

Nó cũng sẽ xảy ra khi ngành dầu đá phiến Mỹ bị suy giảm do giá dầu thế giới thấp, còn khu vực bất động sản thương mại phải đối mặt với tình trạng dư thừa văn phòng và các trung tâm mua sắm bị bỏ trống bởi mọi người chọn làm việc từ xa và mua sắm trực tuyến. Hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Fitch ngày 31/7 đã hạ triển vọng kinh tế của nước này từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực" do thâm hụt ngân sách cao, song vẫn duy trì xếp hạng tổng thể ở mức cao nhất "AAA".

Trong khi đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định GDP thực tế của nước này có thể giảm 4,5% trong tài khóa 2020 (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 3/2021). Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có triển vọng sáng hơn.

Các chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục nhanh hơn các nước khác, dù kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu. Ngân hàng UBS Group AG nhận định nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, cao hơn so với mức 1,5% mà UBS Group AG đưa ra trước đó do sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và đầu tư mạnh mẽ. 

Với Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á, số liệu công bố ngày 17/8 cho thấy, GDP nước này giảm 12,2% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1988. So với quý trước, GDP giảm 9,7% - cũng mạnh nhất từ trước đến nay.

Thái Lan đã rơi vào suy thoái từ quý I/2020, khi GDP giảm 1,8% so với năm ngoái và 2,2% so với quý trước đó. 

Hội đồng Phát triển Kinh tế - Xã hội Quốc gia Thái Lan cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay. Theo đó, GDP Thái Lan có thể giảm tới 7,3-7,8% năm nay, thay vì 5-6% trước đó, VnExpress dẫn tin từ Reuter.

Còn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tăng trưởng GDP của quý II của nước ta chỉ đạt 0,36% là do bị "đứt gãy" thị trường xuất khẩu.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, ông Dũng cho rằng, các ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm "chống suy thoái kinh tế như chống giặc" như tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Việt Nam và câu chuyện phục hồi kinh tế

Theo tin đăng trên báo Dân Trí, về thực trạng tăng trưởng của Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng điểm qua tăng trưởng GDP của quý II/2020 của Việt Nam chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6 do gần hết tháng 4 phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.

Ông Dũng cho biết, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 như: IMF dự báo âm (-) 4,9% (thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó), WB dự báo âm (-) 5,2% là mức giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều dược dự báo tăng trưởng âm (-) từ 5% đến sấp xỉ 10%, thương mại quốc tế giảm mạnh...

Ngoài vấn đề lập Ban Chỉ đạo chống suy thoái kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất người đứng đầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do việc giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn vay nước ngoài hiện đang rất chậm.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại và câu chuyện phục hồi kinh tế ở Việt Nam - ảnh 2

Về tình hình khôi phục kinh tế ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) từng công bố đưa ra nhận định: "Chúng tôi nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đáng kể trong khủng hoảng COVID-19, tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, con đường phục hồi có thể vẫn còn trắc trở do vẫn còn nhiều bất định cả trong nước và trên toàn cầu". 

Đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dựa vào cả nhu cầu của nước ngoài và tiêu dùng trong nước. 2 động lực trên đóng góp đến trên 75% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2019 trên cơ sở tăng trưởng cao về xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân.

Chuyên trang Đầu tư Bất động sản CafeLand đưa, trong thời gian tới, theo WB, 2 động lực trên khó có thể ngay lập tức quay lại các mức trước khủng hoảng. Nhu cầu của nước ngoài vẫn còn yếu vì nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch sẽ chững lại.

Đồng thời, tiến trình phục hồi trong nước có thể thấy được ngay sau khi gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được cho là không kéo dài.

Các doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp lớn ở khu vực chính thức, được hưởng lợi từ vốn vay linh hoạt của ngân hàng và các biện pháp giãn thuế được triển khai trong gói hỗ trợ tài khóa được ban hành đầu tháng 4.

Do vậy, WB cho rằng Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn về đối tượng hỗ trợ tài chính, nếu không rủi ro sẽ là lãng phí nguồn lực công khan hiếm và gửi tín hiệu sai cho thị trường.

Sau khi xác định được những doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn kéo dài do khủng hoảng COVID-19 gây ra, Chính phủ cần cân nhắc giúp những đối tượng dự kiến có thể tiếp tục tồn tại và phục hồi nhanh chóng.

Để tránh tác động tiêu cực kéo dài cho nền kinh tế và người lao động, điều hết sức quan trọng là các doanh nghiệp có thể đứng vững không được thoái lui và các tổ chức tài chính phải tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và vốn lưu động cho doanh nghiệp theo cách bền vững.

Chính phủ có thể áp dụng các giải pháp tài khóa như giãn và hoãn thuế tạm thời, trợ cấp và giảm phí, hoặc hỗ trợ tiền trực tiếp một cách hợp lệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng hoàn trả; trợ cấp một lần cho các doanh nghiệp có quy mô ở khu vực phi chính thức đang muốn chuyển sang khu vực chính thức; cơ cấu cứu trợ đặc biệt nhằm cho vay vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo trần lãi suất hàng năm trong một giai đoạn hạn chế; quỹ đoàn kết ngành du lịch nhằm quảng bá các điểm đến đặc biệt của hội đồng ngành du lịch; thẻ chiết khấu du lịch qua phối hợp với hàng không, khu nghỉ dưỡng, khách sạn; miễn giảm thuế thu nhập cho các cá nhân có phát sinh chi tiêu cho du lịch trong nước.

Cũng trong tháng 7, bất chấp xu hướng suy thoái toàn cầu, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố đã dự đoán, Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,7%, cao hơn nhiều nền kinh tế khu vực khác.

Tin trên baoquocte.vn, theo IMF, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% nhờ nền tảng kinh tế ổn định và xuất khẩu tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ phục hồi hoàn toàn sau 1 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Việt Nam đã nhắm mục tiêu thu hút các nhà sản xuất quốc tế khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (VEFTA) có hiệu lực. Sau khi có hiệu lực, EVFTA được kỳ vọng sẽ mạng lại lợi ích lớn cho thương mại Việt Nam. Sau Singapore, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có FTA với EU.

Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho 71% hàng hóa Việt Nam miễn thuế vào thị trường châu Âu, trong khi 65% hàng hóa từ EU vào thị trường Việt Nam mà không có bất kỳ mức thuế nào. 

Trao đổi trên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nêu quan điểm: "Nhìn về tương lai, tác động tài khóa theo hướng tiêu cực của khủng hoảng COVID-19 sẽ tăng lên trong những tháng tới do hai xu hướng kết hợp.

Thứ nhất, về thu ngân sách, số thu từ thuế sẽ suy giảm do hoạt động kinh tế suy giảm và việc thực hiện các biện pháp giãn thuế dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm. Hơn nữa, trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng tài chính cho khu vực tư nhân, Chính phủ đã tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó có thể khiến ngân sách mất thêm 1 tỷ USD trong nửa còn lại của năm 2020.

Thứ hai, về mặt chi tiêu, tổng chi ước tính đã tăng khoảng 9,5% trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2020 so với 2019. Mức tăng này là do chi tiêu liên quan đến Covid-19 kết hợp với nỗ lực lớn nhằm đẩy nhanh giải ngân chương trình đầu tư công. Nỗ lực đó đến nay dẫn đến kết quả là giải ngân đầu tư tăng 19% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Nỗ lực chi tiêu nhiều hơn và nhanh hơn này của Chính phủ theo chúng tôi là hợp lý vì nó sẽ giúp kích thích tổng cầu trong nước khi các động lực tăng trưởng truyền thống - khó có thể hoạt động hết công suất trong tương lai do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế.  

Chính phủ cần sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho khả năng suy thoái cán cân tài khóa trong những tháng tới".

Với tất cả những cơ hội đang được mở ra sau đại dịch COVID-19 cùng sự khao khát của giới đầu tư về một môi trường an toàn thì những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại... được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ phát triển rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Lệ Vỹ (T/h)