Điểm danh loạt gói thầu quy mô lớn mà Vinaconex (VCG) liên tục trúng trong 7 tháng đầu năm
Liên tiếp trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, theo thống kê của VNDIRECT, có 6 dự án lớn VCG đã trúng thầu với tổng giá trị 17.904 tỷ đồng. Trong đó, tại dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi 5.232 tỷ đồng, VCG Liên danh với Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng (VCG sở hữu 58% giá trị gói thầu); dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang 3.549 tỷ đồng, VCG Liên danh với Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (VCG sở hữu 29% giá trị gói thầu).
Dự án cao tốc Vũng Áng – Bùng với 5,2 nghìn tỷ đồng, liên danh trúng thầu gồm Sơn Hải - VCG - CTCP 484 - CTCP Xây lắp 368 - CTCP 479 Hòa Bình (VCG sở hữu 28% giá trị gói thầu); dự án núi giao Phú Thứ, tuyến đường kết nối TP. Phủ Lý (Hà Nam) 1.207 tỷ đồng, VCG cùng với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công dự án.
Hai dự án còn lại VCG thi công độc lập bao gồm cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang 900 tỷ đồng và Vành đai 4 - Hà Nội với 1.816 tỷ đồng.
Mua lại 1.400 tỷ trái phiếu trước hạn từ đầu năm đến nay
Ở một diễn biến khác, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 8, Vinaconex đã mua lại trước hạn tới 400 tỷ đồng trái phiếu.
Theo đó, ngày 7/8 HNX công bố kết quả giao dịch trái phiếu của VCG với tổng cộng 1.400 tỷ đồng trái phiếu trước hạn tính từ đầu năm đến nay đã được công ty mua lại. Chỉ trong vài ngày đầu tháng 8, Vinaconex đã có 3 lần mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, ngày 1/8 công ty mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu của lô VCGH2125005 và VCGH2126006, lượng mua lại 100 tỷ đồng mỗi lô. Ngày 4/8, VCG tiếp tục mua lại 120 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô VCGH2126006 và 80 tỷ đồng của lô VCGH2126007.
Hai lô trái phiếu mã VCGH2126006 và VCGH2126007 đều được phát hành vào ngày 15/6/2021, có thời hạn lần lượt là 60 tháng và 66 tháng. Các lô trái phiếu được Vinaconex phát hành để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) phát triển dự án Cát Bà Amatina. Các tài sản liên quan tới dự án này cũng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trên.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2023 đã công bố, VCG ghi nhận doanh thu trong quý đạt 4.567 tỷ đồng, tăng mạnh 110% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gấp 3 dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ chỉ tăng 38% cùng kỳ năm ngoái lên 430 tỷ đồng.
Dù vậy, doanh thu hoạt động tài chính giảm 27,7% về còn 119 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh lên 245 tỷ đồng cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao. Bên cạnh đó, Vinaconex còn ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết lên tới 12,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi nhẹ, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái còn 163 tỷ đồng. Trừ thuế, VCG báo lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.532 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng với cùng kỳ 2022, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 80% về còn 139 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
Ở một diễn biến khác, tại Dự án Cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất tại xã Xuân Hưng và Suối Cát, huyện Xuân Lộc (phục vụ thi công đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), theo thông báo kết luận của Ban Quản lý dự án Thăng Long ngày 9/8, liên danh Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam- Công ty TNHH Xây dựng Trung Chính (liên danh Vinaconex - Trung Chính) đã thực hiện ra ngoài dự án, thi công vượt cote, tạo vách đứng không đúng phương án được chấp thuận,...
Ban quản lý dự án Thắng Long yêu cầu liên danh Vinaconex - Trung Chính có trách nhiệm thoả thuận với người dân có đất tại khu vực này để thống nhất phương án cải tạo tại chỗ, tạo vách taluy chống sạt lở, ổn định mái dốc công trình, nghiêm cấm việc chở vật liệu tại vị trí này ra khỏi khu vực.