Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo đó, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng đủ 05 điều kiện sau:
Một là, nội dung nhiệm vụ, đề án phải đáp ứng nhu cầu thực tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, ngành, địa phương đã được Chính phủ phê duyệt; Đảm bảo tính khả thi về: Phương thức triển khai, thời gian, tiến độ triển khai, nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật; Đối với các đề án có thời gian thực hiện kéo dài hơn 01 năm tài chính, Đơn vị chủ trì phải xây dựng nội dung và kinh phí cho từng năm.
Hai là, nhiệm vụ, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Công Thương đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp địa phương).
Ba là, đơn vị đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ).
Bốn là, cam kết của đơn vị thực hiện đề án công nghiệp hỗ trợ chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung và thẩm định của cơ quan phê duyệt đề án.
Năm là, trong 2 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ không thuộc một trong các trường hợp sau: Đã chủ trì đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ có kết quả nghiệm thu ở mức “không đạt”; Giao nộp sản phẩm không đúng hạn mà không có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương; Sử dụng kinh phí đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ không theo quy định hiện hành.
Cũng theo Thông tư, kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là từ: Ngân sách trung ương/địa phương; Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật./.