Điều kỳ diệu có lặp lại với ông Trump khi liên tiếp thực hiện các vụ kiện khắp các bang nước Mỹ?

21:18 | 11/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Joe Biden đã được giới truyền thông Mỹ công nhận là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng, nhưng ông Trump vẫn thách thức kết quả bầu cử với hàng loạt vụ kiện. Thực tế lịch sử 20 năm qua kỳ tích chỉ xuất hiện 3 lần.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang theo đuổi các vụ kiện tại một số bang quan trọng dù chưa cung cấp được bằng chứng thuyết phục về gian lận. Tổng thống Trump đang hy vọng một cuộc kiểm phiếu lại sẽ ngăn đối thủ Biden tiếp quản Nhà Trắng.

Nhưng thực tế lịch sử 20 năm qua cho thấy kì tích chỉ xuất hiện 3 lần trong các cuộc bỏ phiếu cấp địa phương.

Thông thường vụ kiện ở bang nào thì sẽ do bang ấy xử lí, nhưng Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã cho phép công tố viên liên bang điều tra các cáo buộc.
 
Điều kỳ diệu có lặp lại với ông Trump khi liên tiếp thực hiện các vụ kiện khắp các bang nước Mỹ? - ảnh 1Tổng thống Trump đang tìm cách yêu cầu các bang chiến địa kiểm lại phiếu bầu để đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AFP

Kiểm phiếu lại là gì?


Trong một cuộc kiểm phiếu lại, nhà chức trách sẽ lặp lại qui trình kiểm đếm phiếu bầu như thông thường. Kiểm phiếu lại là một đặc trưng tương đối phổ biến của bầu cử Mỹ, song lại rất hiếm khi xuất hiện trong các cuộc tranh cử tổng thống.

"Kiểm phiếu lại thường xuyên xảy ra và không có gì thực sự đặc biệt", Giáo sư Rebecca Green của Trường Luật William & Mary cho hay. Theo bà Green, các cuộc kiểm phiếu lại thường cho thấy kết quả kiểm phiếu đầu tiên là khá chính xác và chỉ có một số sai khác nhỏ do cách thức kiểm phiếu bằng tay hoặc một số vấn đề khác.

Theo Reuters, các bang xử lí việc kiểm phiếu lại theo các cách khác nhau, nhưng quy trình chủ yếu là kiểm đếm lại số phiếu bầu. Quá trình kiểm phiếu lại có thể mất hàng tuần, song một số bang cũng đã đặt ra hạn chót để hoàn thành khối công việc này.

Tại Georgia, cuộc kiểm phiếu mới nhất giúp ông Biden vươn lên dẫn trước đương kim Tổng thống Trump khoảng 12.000 phiếu bầu, tỉ lệ 49,5% so với 49,3%. Đến nay, Georgia đã kiểm xong khoảng 99% số phiếu bầu của bang.

Các cử tri có mặt trực tiếp tại điểm bỏ phiếu ở Georgia đã sử dụng một hệ thống bỏ phiếu trên màn hình cảm ứng. Sau khi cử tri thao tác trên màn hình, phiếu bầu của họ sẽ được in ra. Sau đó, phiếu bầu được đưa vào máy quét và kiểm đếm. Phiếu bầu qua thư cũng theo mẫu tương tự như phiếu bầu trực tiếp và cũng được đưa qua máy quét.

Khi máy móc không thể xác định ứng viên mà cử tri đã chọn, một nhóm quan chức bầu cử lưỡng đảng sẽ đánh giá xem nên kiểm phiếu như thế nào. Nếu ông Trump yêu cầu kiểm phiếu lại, giới chức của bang Georgia sẽ lặp lại quy trình này.

Dù không đưa ra bằng chứng cụ thể, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump vẫn tuyên bố đã phát hiện người chết hoặc người đã chuyển đi nơi khác đi bỏ phiếu. Họ còn khẳng định các tình nguyện viên của Đảng Cộng hòa bị cản trở nên không thể giám sát công tác kiểm phiếu như mong muốn.

Kiểm phiếu lại sẽ không giải quyết các cáo buộc mà chiến dịch của ông Trump đưa ra và giờ đây, ông Trump phải đem vụ việc ra tòa án.

Dưới đây là tổng hợp của BBC về các hành động pháp lí ông Trump đưa ra:

Pennsylvania

Ông Biden được cho là người chiến thắng bang này.

Ngày 4/11, phe ông Trump đệ đơn kiện với cáo buộc những người quan sát điểm kiểm phiếu bị cản trở tiếp cận.

Quan sát viên là những người theo dõi việc đếm phiếu bầu với mục đích là đảm bảo sự minh bạch. Hầu hết các bang đều cho phép sự hiện diện của quan sát viên, miễn là họ đăng kí trước ngày bầu cử.

Năm nay, một số khu vực đặt ra các hạn chế trước ngày bầu cử, một phần vì lo ngại COVID-19. Ngoài ra cũng có những giới hạn về số lượng quan sát viên nhằm tránh hiện tượng dọa dẫm.

Khu vực kiểm phiếu ở Philadelphia đặt ra khoảng cách 6m giữa quan sát viên và nhân viên bầu cử. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án ngày 5/11 nói rằng khoảng cách này nên được giảm xuống còn 2m, miễn là các quan sát viên tuân thủ qui định phòng chống COVID-19.

Cùng ngày, chiến dịch của ông Trump cáo buộc quan chức bầu cử vi phạm lệnh của tòa án và yêu cầu ngừng đếm phiếu bầu ở Philadelphia nhưng bị từ chối.
 
Điều kỳ diệu có lặp lại với ông Trump khi liên tiếp thực hiện các vụ kiện khắp các bang nước Mỹ? - ảnh 2Người ủng hộ ông Trump biểu tình ở Arizona. Ảnh: Getty Images

Các quan chức bầu cử khẳng định họ cư xử đúng đắn và đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao bang Pennsylvania.

Cuộc chiến pháp lí ở Pennsylvania cũng xoay quanh việc bang này chấp thuận những phiếu bầu được đóng dấu bưu điện vào Ngày bầu cử 3/11 nhưng được gửi đến chậm tối đa ba ngày.

Vào ngày 6/11, Đảng Cộng hòa đã kháng cáo phán quyết của toà án bang Pennsylvania và yêu cầu tất cả các lá phiếu qua bưu điện nhận được sau 3/11 đều bị loại bỏ.

Tòa án Tối cao Mỹ đã bế tắc về tranh chấp này từ trước Ngày bầu cử, nhưng đó là trước khi Thẩm phán Amy Coney Barrett được bổ nhiệm. Do bà Barrett là người được ông Trump đề cử, rất có thể bà sẽ ra quyết định có lợi cho Đảng Cộng hòa và loại bỏ các lá phiếu đến chậm.

Nhưng dù Tòa án Tối cao có về phe ông Trump đi nữa thì kết quả cũng không thay đổi. Vox cho biết khi ông Biden được tuyên bố chiến thắng Pennsylvania thì số phiếu đến chậm này vẫn chưa được tính vào con số chính thức.

Một tranh chấp khác đang diễn ra là cử tri nên được cấp bao nhiêu thời gian để bổ sung bằng chứng nhận dạng nếu thông tin này bị thiếu hoặc không được ghi rõ trên lá phiếu của họ.
Hiện cử tri được gia hạn đến 12/11, nhưng chiến dịch ông Trump đã đệ đơn kiện để giảm bớt ba ngày.

Ngày 9/11, chiến dịch ông Trump tiếp tục khởi kiện để ngừng xác nhận kết quả, lập luận rằng bang này kiểm tra các lá phiếu được bỏ trực tiếp vào hòm chặt chẽ hơn lá phiếu gửi qua thư.

Tổng chưởng lí Pennsylvania nhận xét vụ kiện trên là "vô nghĩa", các chuyên gia đánh giá nó có ít khả năng thành công.

Wisconsin

Chiến dịch của ông Trump tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin "dựa trên những bất thường đã được chứng kiến" vào Ngày bầu cử.

Không rõ khi nào cuộc kiểm phiếu lại sẽ diễn ra, vì thông thường chúng chỉ được tổ chức sau khi các quan chức xem xét xong mọi phiếu bầu. Hạn chót của Wisconsin cho việc kiểm phiếu lại là vào ngày 17/11.

Giáo sư Richard Briffault của Đại học Luật Columbia cho biết Wisconsin từng kiểm phiếu lại vào năm 2016, nhưng việc này "chỉ thay đổi được khoảng 100 phiếu bầu".

Michigan

Ông Trump thắng Michigan vào năm 2016 chỉ với chênh lệch 10.700 phiếu bầu. Ông Biden được dự đoán là người giành được bang này vào năm 2020.

Ngày 4/11, chiến dịch ông Trump đâm đơn kiện nhằm ngừng kiểm phiếu, tuyên bố không có đủ quyền tiếp cận nhằm quan sát quá trình. Quan tòa bác bỏ vụ kiện này với lí do không có đủ bằng chứng.

Một vụ kiện khác được trình lên tòa ngày 9/11, với mục tiêu chặn việc chứng nhận kết quả ở quận Wayne, viện dẫn những bất mãn của các quan sát viên.
 
Điều kỳ diệu có lặp lại với ông Trump khi liên tiếp thực hiện các vụ kiện khắp các bang nước Mỹ? - ảnh 3
Các quan chức kiểm phiếu bầu. Ảnh: Getty Images

Nevada

Đảng Cộng hòa Nevada đăng trên Twitter rằng: "Hàng nghìn cá nhân có vẻ đã vi phạm pháp luật với việc bỏ phiếu sau khi chuyển đi khỏi Nevada".

Một vụ kiện được đệ trình vào ngày 5/11, cáo buộc rằng "các qui trình xác minh lỏng lẻo" đã làm nảy sinh 3.000 trường hợp cá nhân bỏ phiếu dù không đủ điều kiện.

Đội ngũ pháp lí của ông Trump đã soạn sẵn danh sách những người họ cho là "không đủ điều kiện" nhưng vẫn bỏ phiếu.

Con số 3.000 nghe có vẻ lớn nhưng thực chất không có nhiều ý nghĩa. Theo số liệu từ Vox, ông Biden đang dẫn trước ông Trump tại bang này với 22.000 phiếu bầu. Như vậy, dù ông Trump có thắng vụ kiện này thì cũng không giành được Nevada.

Georgia

Hôm 4/11, Đảng Cộng hòa đã khởi kiện ở Hạt Chatham, bang Georgia nhằm ngừng kiểm đếm phiếu bầu.

Chủ tịch Đảng Cộng hòa Georgia tweet rằng những quan sát viên của họ đã phát hiện một phụ nữ "trộn lẫn 50 lá phiếu vào chồng phiếu gửi qua thư chưa được đếm".

Ngày hôm sau, một thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện này, nói rằng "không có bằng chứng" chứng minh cáo buộc trên.

Arizona

Ông Trump khởi kiện ở Arizona vào ngày 7/11, tuyên bố một số lá phiếu hợp lệ bị loại bỏ. Một số quan sát viên và hai cử tri nói rằng họ gặp vấn đề với máy bỏ phiếu.

Vụ kiện này đang được xem xét, nhưng Tổng Thư kí bang Arizona nói rằng nó gần như không có cơ hội thành công.

Tòa án Tối cao liệu có can thiệp?


Ngày 4/11, ông Trump tuyên bố có gian lận phiếu bầu và nói: "Chúng tôi sẽ đến thẳng Tòa án Tối cao".

Nếu kết quả bầu cử bị tranh cãi, thông thường bước đầu tiên là đội ngũ pháp lí của ứng viên sẽ khởi kiện lên tòa án bang. Thẩm phán bang sẽ tiếp nhận vụ kiện và ra lệnh kiểm phiếu lại. Sau đó Tòa án Tối cao có thể được yêu cầu phân xử.

Giáo sư Briffault cho biết: "Mỹ không có qui trình chuẩn để đưa các tranh chấp bầu cử lên Tòa án Tối cao. Việc này rất bất thường và phải liên quan đến một vấn đề rất nghiêm trọng".

Cuộc bầu cử năm 2000 là lần duy nhất kết quả được phán quyết bởi Tòa án Tối cao Mỹ. Ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore đã thua ở bang Florida - và theo đó là cả cuộc bầu cử tổng thống – chỉ với 537 phiếu bầu trong tổng số gần 6 triệu lá phiếu ở bang này.

Quyết định này được đưa ra sau một qui trình kiểm phiếu lại bị tranh cãi rất gay gắt. Rốt cuộc sau một tháng, Tòa án Tối cao yêu cầu ngừng đếm lại phiếu và ủng hộ ứng viên George W. Bush (Bush con).

Kỳ tích có thể xuất hiện với ông Trump?


Việc kiểm phiếu lại hiếm khi làm đảo lộn kết quả bầu cử. Trong trường hợp khoảng cách giữa người chiến thắng và kẻ thua cuộc chỉ là vài trăm phiếu thì kiểm phiếu lại mới làm thay đổi cục diện.

Một nghiên cứu năm 2019 của nhóm Fair Vote kết luận, các bang trên toàn nước Mỹ đã tiến hành 31 cuộc kiểm phiếu lại trong giai đoạn 2000 - 2019 và chỉ ba cuộc kiểm phiếu làm thay đổi kết quả trước đó. Kịch bản này xảy ra trong cuộc đua giành chức thống đốc bang Washington năm 2004 và cuộc đua giành chức kiểm toán viên bang Vermont năm 2006.

Trường hợp thứ ba liên quan đến cuộc đua vào Thượng viện ở bang Minnesota năm 2008. Trước khi kiểm phiếu lại, Thượng nghị sĩ đương nhiệm Norm Coleman dẫn trước 215 phiếu. Sau khi hoàn tất, đối thủ Al Franken của ông Coleman chiến thắng với 225 phiếu.

Tuy nhiên, các cuộc kiện tụng kéo dài quá lâu nên một ghế đại diện của Minnesota tại Thượng viện bị bỏ trống trong 6 tháng.

Thông thường, kết quả của người chiến thắng sau các cuộc kiểm phiếu lại thường nhỉnh hơn ban đầu một chút. Fair Vote nhận thấy, trung bình kết quả chỉ thay đổi khoảng 0,024%. Mức chênh lệch này quá nhỏ so với tỉ lệ mà ông Trump cần để vượt qua đối thủ Biden ở bất kì bang chiến địa nào.

Bang Wisconsin đã kiểm kê lại phiếu bầu tổng thống khi ông Trump đắc cử hồi năm 2016. Ứng viên Đảng Xanh Jill Stein, người giành được khoảng 1% số phiếu, đã đưa ra yêu cầu. Sau cùng, ông Trump nhận thêm được 131 phiếu bầu mới. Năm nay, chiến dịch của ông Trump tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu bầu ở Wisconsin.

Tuần trước, cựu Thống đốc Đảng Cộng hòa Scott Walker của bang Wisconsin cảnh báo rằng ông Trump sẽ phải đối mặt với "nhiều rào cản" khi cố gắng làm đảo lộn kết quả của một cuộc bầu cử mà ông đã bị đối thủ Biden bỏ xa hơn 20.000 phiếu.
 
Điều kỳ diệu có lặp lại với ông Trump khi liên tiếp thực hiện các vụ kiện khắp các bang nước Mỹ? - ảnh 4
Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Al Gore (trái) nói trước khán giả trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng với ứng viên Đảng Cộng hòa George W. Bush ở TP St. Louis, bang Missouri vào ngày 17/10/2000. Ảnh: Getty Images

Cuộc kiểm phiếu lại nổi tiếng nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ là ở Florida vào năm 2000, khi ông George W. Bush (Bush con) dẫn trước đương kim Phó Tổng thống Al Gore 1.784 phiếu. Năm đó, Florida được coi là bang sẽ quyết định ai trở thành ông chủ Nhà Trắng tiếp theo.

Sau khi kiểm phiếu lại và kiện tụng lên Tòa án Tối cao, Florida cuối cùng tuyên bố ông Bush giành chiến thắng với cách biệt 537 phiếu bầu.


Bầu cử Mỹ 2020 tiêu tốn gấp đôi năm 2014: Cuộc đua tốn kém nhất trong lịch sử
 
Hải Yến