Doanh nghiệp bất động sản đang vô cùng `khó thở` bởi dịch COVID-19

05:00 | 23/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tọa đàm trực tuyến mới đây đã chỉ ra loạt khó khăn mà doanh nghiệp và môi giới đang gặp phải trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra suốt từ đầu năm đến hiện tại.

Doanh nghiệp đang dần thiếu nguồn lực chống chịu

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid 19: Giải pháp và kiến nghị" bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho nêu ra thực trạng thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Thị trường đang bị đóng băng khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khía cạnh ở hoạt động kinh doanh đều bị tác động ít nhiều. 

Kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước làn sóng dịch bệnh. 

Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, giảm từ 30% thậm chí cao hơn.

Doanh nghiệp bất động sản đang vô cùng `khó thở` bởi dịch COVID-19 - ảnh 1

Nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ bởi dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Báo Lao Động

Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn hoàn thành ít nhất 50% kế hoạch trong năm nay. 

Dịch bệnh diễn ra theo nhiều đợt khiến các doanh nghiệp không thể trở tay "xoay" kịp kế hoạch bán hàng vốn cần đến 3-6 tháng do đó kéo theo doanh thu và lợi nhuận bị sụt giảm phần nào. 

DN chia sẻ rằng họ đã cố thích nghi, dịch chuyển phương thức bán hàng sang trực tuyến nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Ngoài ra, thói quen giao dịch truyền thống, khách hàng đã quen thuộc cùng với các sự kiện bán hàng đem lại sự tin tưởng cao hơn thì hình thức giao dịch mới này đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, giao dịch online cũng "vướng" những yêu cầu pháp lý rất khắt khe nên khách hàng chưa mặn mà. 

Ngoài ra, CEO Đại Phúc Land cũng cho hay, dịch bệnh đã khiến kế hoạch triển khai thi công xây dựng bị đình trệ, hầu hết tiến độ thi công các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ bàn giao. 

Bên cạnh đó, trong quý 1 và 2 không thể nhắc đến những đợt tăng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép khiến làm các DN phải căng mình đối phó với tình trạng gia tăng chi phí đầu vào của các công trình xây dựng.

Vấn đề đáng lưu tâm nữa đối với các doanh nghiệp chính là áp lực về dòng tiền và khả năng trả nợ vay cũng là một nỗi lo lớn.

Bà Hương cho rằng, trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay khi doanh thu và dòng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao.

"Chết trên đống tài sản là tình huống dễ dàng xảy ra trong giai đoạn này nếu không có giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng và các bên liên quan" có lẽ là câu nói đáng chú ý nhất khi mô tả về tình trạng của doanh nghiệp bất động sản thời dịch. 

Đến khi các dự án hoàn thành thì lại nẩy sinh ra khó khăn mới về nguồn lực duy trì bởi nhiều doanh nghiệp đã phải tạm thời cắt giảm nhân sự và giảm lương từ 20-30%. Sự phục hồi cũng là không nhiều bởi nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp đang cạn dần do dịch bệnh đã diễn ra liên tục trong gần 2 năm. 

Môi giới thời đại dịch: Làm đủ mọi nghề kiếm sống

Lao động trong ngành cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với các nhà thầu xây dựng. Nhiều người đã phải bỏ công trình về quê nhà kiếm sống khi mà chính bản thân doanh nghiệp còn không biết mình có "trụ" nổi qua giai đoạn này hay không.

Nhóm ngành môi giới cũng bị ảnh hưởng nặng nề, các chuyên gia tại buổi tọa đàm cho hay 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Tp.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%; 30% có mức doanh thu từ 30-50%. Hai nhóm này đều có nguy cơ rất cao và cao ngưng hoạt động nhất và đối với những đơn vị mới phát triển, mở rộng hệ thống. 

Đặc thù của môi giới cũng như bán hàng, nếu các sàn bất động sản phải đóng cửa dài ngày sẽ khiến người làm trong nghề mất dần kiên nhẫn, thậm chí phải bỏ nghề. 

Trên thực tế, thời gian vừa qua báo chí cũng đã phản ánh nhiều về tình trạng trên. Giãn cách xã hội khiến công việc khó khăn nên nhiều nhân viên môi giới BĐS trước đây buộc phải làm thêm việc để kiếm sống. Người phải đi bán thực phẩm online, người phải làm việc tại các siêu thị và đủ loại nghề nghiệp khác khi doanh nghiệp không còn đủ sức gồng gánh qua cơn dịch. 

Theo Infonet, môi giới buộc phải chuyển nghề do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay là điều dễ hiểu khi theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại, khoảng 80% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.

Doanh nghiệp đề xuất gì? 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, bất động sản có cơ hội vượt qua được đợt bão dịch bệnh Covid lần này cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế và phát triển của các ngành nghề liên quan. Một đồng ngân sách chi ra để giúp hồi phục nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ trả lại cho ngân sách 3 đồng, thậm chí 5 đồng trong tương lai.

Nên bà kiến nghị Chính phủ cần vào cuộc đề để giải quyết bài toán những vướng mắc về pháp lý. Hiện thị trường đang đối mặt với tình trạng lệch pha cung cầu đã diễn ra trong thời gian dài. Năm 2021 nhiều doanh nghiệp hy vọng một số luật được điều chỉnh sẽ mở ra các cơ hội đầu tư nhiều dự án mới nhưng vì dịch bệnh nên việc thực thi đang bị chậm lại.

Trong khi đó,  ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng để giúp DN sống sót qua đại dịch thì Chính phủ nên áp dụng các chính sách giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 70% trong năm nay), thuế thu nhập cá nhân (giảm 50% trong 3 quý cuối năm), hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại. Ông Hà cũng đề xuất đẩy mạnh quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp và cộng đồng doanh nghiệp.

 H.S

Xem thêm: Người dân "ôm nợ" bởi đầu tư vào bất động sản thời dịch