Doanh nghiệp chuyển biến tích cực dù còn nhiều khó khăn
Doanh nghiệp chuyển biến tích cực
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 5 tháng, cả nước có 98.825 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2023 (83.109 doanh nghiệp).
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 64.758 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, con số này đã vượt qua ngưỡng trung bình cùng kỳ 2 năm gần đây và là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 34.067 doanh nghiệp, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2024, có 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
“Như vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng năm 2024 nhìn chung có cải thiện so với cùng kỳ năm 2023 nhưng còn ở mức khiêm tốn và phản ánh những khó khăn trong môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến việc thích nghi của doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều căng thẳng chính trị và biến động thị trường như hiện nay”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhìn nhận.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá, nhận định của cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh là khá chính xác, bởi nhìn vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xi măng, cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, dù còn khó khăn nhưng bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn. Xuất khẩu rục rịch tăng, tiêu thụ 5 tháng năm 2024 cũng đang tốt hơn.
Mới đây, tại cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cộng đồng doanh nghiệp gồm đại diện của gần 20 hiệp hội ngành hàng để đánh giá về tình hình hoạt động và đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I của các doanh nghiệp châu Âu có sự phục hồi tích cực nhất trong 2 năm trở lại đây. Điều này thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp, tập đoàn đang có tín hiệu khởi sắc; đầu tư tiếp tục được ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu và được chọn là một điểm sáng cho sản xuất gia công, xuất khẩu. Hiện tại, nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của doanh nghiệp ngày càng lớn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc sử dụng, mua bán điện, xây dựng các cơ chế thuận lợi để sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả.
Tuy nhiên, đại diện một số các ngành hàng cho rằng, tình hình hoạt động của doanh nghiệp có sự khởi sắc nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đơn hàng khá dồi dào, đơn giá đã tăng dần. “Tín hiệu tích cực, nhưng không hẳn hoàn toàn lạc quan. Mục tiêu 44 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may sẽ rất khó khăn để đạt được”, ông Cẩm chia sẻ thông tin.
Theo ông Cẩm, khó khăn lớn nhất của năm 2023 là đơn hàng với ngành dệt may đã qua, hiện tại, các doanh nghiệp lại gặp thách thức lớn trong vấn đề tuyển dụng lao động, chất lượng lao động trong lĩnh vực dệt, sợi.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các doanh nghiệp đang phải đối mới khó khăn về thiếu hụt nguồn lao động, vướng mắc trong thủ tục hành chính, cấp giấy phép kinh doanh…; và đưa ra kiến nghị rằng Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật quy định về sản xuất xanh, đơn giản hóa thủ tục cấp mới giấp phép kinh doanh, thống nhất giữa trung ương và địa phương, và có sự hoạch định chính sách mạnh mẽ hơn nữa để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhiều hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư các kiến nghị liên quan đến gánh nặng chi phí, từ chi phí logistics, khó khăn trong thuê container... của doanh nghiệp xuất khẩu đến các khó khăn trong tiếp cận vốn, mặt bằng...
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Mặc dù, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng có dấu hiệu giảm, nhưng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thực tế, tuy số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm nay tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng quy mô vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp chỉ tương đương cùng kỳ năm 2023 và chưa quay lại được mốc 12,2 tỷ đồng (trung bình cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2022); xu hướng thận trọng khi bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh vẫn kéo dài từ đầu năm 2024 tới nay.
Đề xuất giải pháp, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, song song với việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để đón đà phục hồi của ngành du lịch và thương mại toàn cầu theo hướng tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng.
Cùng với đó, khai thác tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy ký kết FTA với các thị trường mới; tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, chuyển đổi để đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa xuất khẩu.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đẩy mạnh sự tiên phong, đổi mới của mình và tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để làm đầu mối tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp xi măng Việt Nam cho rằng, tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng vẫn còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản chậm phục hồi… Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Còn theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, hiện ngành công nghiệp bán dẫn đang là xu hướng toàn cầu và có nhiều tiềm năng để phát triển, vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích đầu tư, cung cấp học bổng cho các sinh viên trong ngành này. Hiệp hội sẵn sàng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội việc làm cho các sinh viên ngành bán dẫn.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các hiệp hội tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cập nhật kinh nghiệm quốc tế và chủ động tìm hiểu đầu tư vào các ngành nghề có thế mạnh; đồng thời, khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đầu mối về quản lý, phát triển doanh nghiệp sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, tham mưu, sửa đổi các giải pháp, chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh đến sự quan trọng trong việc đoàn kết, nỗ lực từ các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp để thực hiện giải pháp khắc phục khó khăn về thể chế, chính sách còn tồn đọng./.