Doanh nghiệp đề xuất tự bỏ chi phí tiêm vaccine cho người lao động

14:03 | 21/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cho rằng COVID-19 là mối đe dọa thường trực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine.

Báo người Lao động sáng ngày 21/5 đưa tin, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) vừa có văn bản gửi Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về việc doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đề xuất Chính phủ tiêm Vaccine COVID-19.

Theo văn bản của VASI, hiệp hội hiện có gần 300 hội viên, mỗi hội viên có khoảng 200 lao động, hiện đang cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu các ngành chế tạo tại Việt Nam và xuất khẩu. VASI cho biết, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đề hoạt động tại các khu công nghiệp, nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn thường trực đe dọa đến hoạt động sản xuất và gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Vì thế, VASI kiến nghị chính phủ xếp các nhóm doanh nghiệp sản xuất vào nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine sớm nhất, để đảm bảo quá trình hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, đóng góp cho nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.

Doanh nghiệp đề xuất tự bỏ chi phí tiêm vaccine

Doanh nghiệp đề xuất tự bỏ chi phí tiêm vaccine cho người lao động

VASI cũng nêu rõ nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hoá, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động của doanh nghiệp mình.

Ngoài ra hiệp hội này còn đề nghị, Chính phủ thống nhất trong việc cấp chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 như: Cơ quan cấp, hình thức cấp, nên có QR code để đảm bảo việc kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong nước và nước ngoài.

Cũng trong ngày hôm nay (21/5), Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc về việc sử dụng kinh phí do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 để mua vaccine ngừa COVID-19.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vắc xin phòng COVID-19.

Các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách Trung ương số kinh phí được phân bổ; chịu trách nhiệm rà soát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, bảo đảm không trùng lặp về đối tượng hỗ trợ.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 75 triệu dân, tổng kinh phí ước tính khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó kinh phí mua vaccine là khoảng 21.000 tỷ đồng, còn lại 4.200 tỷ đồng là để vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Hiện, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ lập quỹ vaccine ngừa COVID-19 để huy động nguồn lực trong việc mua vaccine nhằm đáp ứng mục tiêu phòng dịch toàn dân.

H.A

Xem thêm: Nam giáo viên Hà Nội đi khám đau tức ngực mới phát hiện nhiễm COVID-19, phong tỏa một bệnh viện