Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đầu tư phát triển bền vững

14:57 | 18/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp (DN) Việt chính là vấn đề vốn và công nghệ.

Đây là thông tin được PGS. TS. Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đầu tư phát triển bền vững - ảnh 1
  PGS. TS. Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
Theo PGS.TS. Lê Xuân Đình, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009. Cho tới nay, sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hiện Việt Nam có tỉ lệ các DN nhỏ và vừa cao, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Hạn chế lớn nhất của các DN này chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, DN thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới đổi mới công nghệ, cải tiến qui trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào...
Mặt khác, trong tiêu dùng, nhất là tiêu dùng cuối cùng của người dân, ở Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề thiếu bền vững. Chẳng hạn, rác thải nhựa, các loại chất thải ra biển, ra sông và môi trường của Việt Nam hầu như chưa được kiểm soát tốt. Ý thức của người tiêu dùng chưa thực sự hướng tới xanh, sạch, bền vững.
Trước tình hình đó, ông Đình nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức cho DN về lợi ích của sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đầu tư phát triển bền vững - ảnh 2
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ về lợi ích của việc phát triển bền vững, đại diện phía DN, bà Đào Thúy Hà – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco cho biết, quá trình sản xuất của Traphaco không gặp khó khăn, rào cản về mặt pháp lý khi đầu vào và đầu ra đều bắt buộc phải là sản phẩm “sạch”. Vấn đề duy nhất trong chuỗi giá trị sản xuất là giá và khả năng tiếp cận-phân phối sản phẩm khi việc tuân thủ các yếu tố sạch đồng nghĩa với giá thành luôn cao hơn các sản phẩm khác. Nhưng đó là câu chuyện nhiều năm về trước. Chính nhờ duy trì yếu tố sạch của sản phẩm, thời gian gần đây, công ty phát triển mạnh bởi sản phẩm phù hợp yêu cầu tiêu dùng và phù hợp chủ trương, chính sách hướng tới tiêu dùng bền vững.
“Hiện nay chính sách đã cởi mở và đã ghi nhận các doanh nghiệp như chúng tôi trong việc phát triển vùng dược liệu sạch và thuận lợi hơn trong việc cung ứng, bán sản phẩm. Chúng tôi mong là chính sách được mở rộng hơn nữa để phát triển và cung ứng được sản phẩm để mọi người đều nhận thức được việc sử dụng các sản phẩm có cam kết về phát triển bền vững thì sẽ có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng”, bà Đào Thúy Hà nhấn mạnh.
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ, hơn 20 năm qua, đơn vị này đã hỗ trợ cho hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng tới mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững. Đây không chỉ là vai trò của Nhà nước hay doanh nhân, DN mà là câu chuyện của tất cả mọi người trong xã hội. Các DN phải có quyết tâm nhất định để dùng các nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực con người - tham gia đào tạo rồi thực hành kỹ thuật. Nhưng rào cản lớn nhất là tư duy và cam kết của người lãnh đạo. Người tiêu dùng thì ở các siêu thị đã có các chương trình thay đổi thói quen nhưng chưa mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt.
Do đó, theo ông Thịnh, nếu tăng cường giáo dục truyền thông thì thói quen của người tiêu dùng thay đổi và bắt kịp với xu thế của thế giới, đòi hỏi các chương trình khuyến khích, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Ví dụ, hỗ trợ về mặt tài chính, thuế đối với các DN thực hiện các chương trình xanh hay tăng cường quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.