Doanh nghiệp hiến giải pháp nhằm giảm tải cho mô hình “đi chợ hộ”
Đặt hàng gần 1 tuần vẫn chưa thấy về
Phản ánh đến Báo Người lao động, chị Nguyễn Thị Hà - ngụ ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, ngày 23/8, tổ dân phố có gửi phiếu mua hàng, chị ghi những thứ cần mua và gửi lại để chuyển đặt hàng nhưng đến nay chưa thấy hàng về và cũng không có phản hồi gì.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng - ngụ ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - chờ 4 ngày không thấy cán bộ địa phương phát phiếu mua hàng nên đã tự truy cập vào website của các cửa hàng xung quanh để thử mua hàng. "Tôi đặt cùng lúc nhiều đơn tại cửa hàng San Hà, Bách Hóa Xanh nhưng chưa thấy nơi nào liên hệ xác nhận hoặc thông báo thời gian giao nên rất lo vài ngày nữa không còn thực phẩm dự trữ, cả nhà 12 người sẽ không có gì ăn" - chị Hồng nói.
Tương tự, nhiều người dân TP đã chủ động tìm vào website, app, Zalo... của siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để đặt hàng nhưng nhiều nơi đã tạm ngưng nhận đơn hàng mới vì quá tải; một số cửa hàng thì thông báo tạm hết hàng, thiếu hàng do "hàng không về được". Cá biệt có trường hợp khách đặt "đi chợ hộ", khi nhận hàng thì thịt, cá đã bị hư, không sử dụng được.
Mô hình "đi chợ hộ' quá tải vì nhu cầu mua lương thực, thực phẩm tăng vọt
Chia sẻ về vấn đề này trên báo VnExpress, một cán bộ phường 13, quận Gò Vấp cho biết, mỗi ngày chỉ có vài cán bộ thay nhau chốt đơn cho người dân nhưng số lượng đặt quá nhiều. Do đó, cán bộ phường chỉ nhận đơn mua hàng theo combo, còn người dân nào muốn mua theo yêu cầu có thể liên hệ nhân viên các hệ thống siêu thị để đặt hàng.
Còn theo thông tin được đăng tải trên Báo Thanh niên cho thấy, chuỗi siêu thị VinMart/ VinMart+, cho hay, lượng đơn hàng tại chuỗi bán lẻ này tồn đọng lên đến hàng ngàn đơn. Riêng lượng đơn hàng online được đăng ký qua hệ thống đi chợ hộ của các tổ dân phố, các cửa hàng mới giải quyết được khoảng dưới 10%, còn lại đang phải “nợ” khách hàng vì chưa thể giao hàng kịp.
Còn hệ thống Bách hóa Xanh ở TP.HCM cho biết, trung bình mỗi ngày nhận gần 50.000 đơn hàng từ các tổ, phường và qua đặt hàng online. Ngày thường, hệ thống này có ít nhất 250.000 lượt mua hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phụ trách hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh, hiện tại, cũng như các chuỗi bán lẻ khác, mỗi ngày hệ thống cửa hàng chỉ giao chưa tới 10.000 đơn hàng (chưa tới 20% nhu cầu) do thiếu người giao nhận. Lượng hàng giao thông qua các đại diện tổ, khu phố không nhiều. Riêng nhân viên siêu thị cũng chỉ cố gắng giao được những đơn hàng cho người dân ngay sát cửa hàng vì cũng không có giấy phép qua lại các chốt kiểm tra. Lượng hàng hóa cung ứng đảm bảo đầy đủ nhưng vì thiếu người giao hàng nên đơn hàng luôn ùn tắc, không đáp ứng kịp nhu cầu cho người dân ở nhiều khu vực.
Theo đại diện AEON Việt Nam, cả siêu thị và địa phương cần huy động nguồn lực lớn về nhân sự mới đủ để giao hàng cho từng hộ dân. Siêu thị AEON sẽ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, đồng thời mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương. Bên cạnh đó, trước thông tin một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đại diện AEON Việt Nam hy vọng hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.
Doanh nghiệp công nghệ đề xuất cho mượn hạ tầng để triển khai "đi chợ hộ"
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO Loship nhận định, đến lúc cần sự can thiệp của công nghệ. Bởi khi xử lý thủ công, không chỉ khiến quy trình chậm mà còn dễ sai sót, dẫn tới những tranh cãi không đáng có giữa người mua và người bán, trong khi đây là thời điểm mà mọi người cần chung tay với nhau để vượt qua dịch bệnh.
Để tận dụng tốt yếu tố công nghệ, Loship đề xuất cho chính quyền mượn hạ tầng của mình để triển khai "đi chợ hộ", đặc biệt ở những khu vực đang hạn chế shipper hoạt động. Việc này giúp người dân có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất để đặt hàng và thanh toán không tiền mặt, giảm tiếp xúc. Khi người dân đặt hàng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Loship và đến điểm bán để nhận hàng, giao cho người đặt.
Cùng quan điểm, Grab Việt Nam cho biết sẵn sàng cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện mà shipper không được phép hoạt động. Người dùng sẽ vào mục GrabMart trên ứng dụng, nhập địa chỉ, chọn mặt hàng và chỉ đặt hàng tại các điểm bán gần khu vực sinh sống.
Lực lượng đi chợ thay, tức các tổ công tác đặc biệt của phường/xã cũng sẽ tạo lập một tài khoản, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng. Khi có đơn hàng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến điểm bán để nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ. Mỗi cán bộ đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến. Nếu người dân trả tiền mặt, cán bộ đi chợ thay có thể tạm ứng tiền và sẽ thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng khi giao hàng.
Theo Grab Việt Nam, phương thức này sẽ hỗ trợ cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho 33% nhu cầu của người dùng của toàn thành phố. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý như số lượng hàng hoá, tần suất giao dịch, truy vết...
Ngoài 8 địa bàn đang cấm shipper hoạt động hoàn toàn gồm TP Thủ Đức, quận 8, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh và hai huyện Bình Chánh, Hóc Môn, các nền tảng đi chợ hộ vẫn đang hoạt động nội quận. Người dùng vẫn có thể sử dụng Grab, Gojek, Be, ShopeeFood để đặt mua và vận chuyển nhu yếu phẩm trong khung giờ từ 6h đến 17h hàng ngày. Việc tận dụng tối đa kênh trực tuyến này cũng có thể là một cách để giảm tải áp lực cho các chương trình đi chợ hộ.
Về giải pháp này, các đơn vị đang quá tải lượng đơn hàng, nhóm hệ thống siêu thị ở TP HCM rất đồng tình.
Ủng hộ đề xuất trên nhưng theo ông Lê Hải Bình, một chuyên gia về thương mại điện tử, đội shipper nên do quận tự tổ chức riêng, có thể là thanh niên xung phong, dân quân, tình nguyện viên) và không dùng tài xế shipper đối tác hiện có của các nền tảng. Lý do là đội ngũ này được tiêm chủng đầy đủ, được các địa bàn quản lý, kiểm soát. Ngoài ra, để làm được việc này thì quận cần được thành phố cho phép về việc cấp thẻ cho đội shipper đặc thù này hoạt động nội quận.
Ngoài ra các hệ thống bán lẻ cũng kiến nghị TP.HCM cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên làm việc trực tiếp và nhân viên giao hàng tại các siêu thị, cửa hàng để có thể đẩy nhanh tiến độ cung ứng hàng cho người dân TP. Theo Bách Hóa Xanh, do quá tải nên nhiều đơn hàng không thể giao cho khách khiến dẫn tới hàng hóa bị hư hỏng, doanh nghiệp thiệt hại nặng. Do đó, trong ngày 27/8, hệ thống tạm ngưng nhập hàng để chờ phương án mới.
Còn VinCommerce cũng bày tỏ mong muốn, Sở Công Thương, Công an TP.HCM xem xét, đẩy nhanh việc cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên của hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ để đáp ứng nhu cầu giao hàng cho người dân. Bởi đây là đội ngũ nhân lực đã được Công ty VinCommerce ưu tiên tiêm vaccine và test COVID-19 định kỳ.
Mỹ Tịch
Xem thêm: Cảnh báo hiện tượng lừa đảo người dân chuyển tiền “đi chợ hộ” ở TP.HCM