Doanh nghiệp “kêu khó” vì gánh nặng chi phí xét nghiệm Covid-19 cho shipper
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 3120/UBND-ĐT chỉ đạo một số nội dung liên quan công tác xét nghiệm cho các shipper. Trong đó, UBND TP yêu cầu việc xét nghiệm cho các shipper được tập trung thực hiện tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.HCM (theo nội dung Công văn số 3072/UBND-VX) đến hết ngày 21/9/2021.
Theo đó, kể từ ngày 22/9 đến hết ngày 23/9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1 lần. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Sau đó, kể từ ngày 24/9 đến hết ngày 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho Dữ liệu dùng chung của TP.HCM theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch. UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Trường hợp các shipper không đáp ứng đủ các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.
Liên quan đến quyết định nêu trên, một số doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao hàng bằng tài xế công nghệ cho biết khó có thể tự thực hiện việc xét nghiệm hết cho hàng chục ngàn shipper, và từ đó có thể phát sinh thêm chi phí, chậm tiến độ hoạt động…
Quy định còn nhiều bất cập
Thông tin với Doanh nghiệp Niêm Yết, đại diện Gojek cho rằng quy định các doanh nghiệp tự sắp xếp tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho các shipper còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh Covid-19, do đó có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chính xác.
Điều này sẽ dẫn đến khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm.
Từ đó dẫn đến việc hàng chục ngàn đối tác tài xế - tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội.
Đại diện Gojek lo lắng nếu hiệu quả xét nghiệm thấp nhưng vẫn phải đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông, điều này có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, gây tắc nghẽn nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân
Còn đại diện Beamin cho rằng dựa trên tình hình thực tế, tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất hiện nay có thể không còn phù hợp.
Phía Grab cho biết đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có phương án tổ chức và hoạt động xét nghiệm phù hợp.
Trong khi đó, đại diện Loship bày tỏ sự lo ngại về gia tăng chi phí. “Theo thông tin của Bộ Y tế, giá mỗi lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 là 238.000 đồng. Với doanh nghiệp có quy mô vận hành 10.000 shipper và được yêu cầu xét nghiệm 2 ngày/lần, chi phí mà doanh nghiệp phải chịu là rất lớn, vào khoảng 9,5 tỉ đồng/tháng”.
Gây khó khăn, bất tiện cho người tiêu dùng
Nhiều chuyên gia về thương mại điện tử tại TP.HCM cho rằng việc xét nghiệm cho shipper nên được kéo giãn thời gian chứ không thể áp dụng với tần suất liên tục như hiện tại. Theo đó, việc xét nghiệm liên tục không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của shipper mà còn tốn kém kinh phí xã hội. Bên cạnh đó, việc đưa về cho doanh nghiệp tự lo khâu xét nghiệm sẽ phát sinh nhu cầu về nguồn lực, nhân lực thực hiện dẫn đến phát sinh thêm chi phí. Doanh nghiệp khi phải gánh thêm chi phí xét nghiệm thì có thể dẫn đến tình trạng tăng giá dịch vụ và người tiêu dùng phải gánh chịu.
Khi hiệu quả xét nghiệm thấp, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, hàng hóa khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn, nhu cầu của người dân không được đáp ứng.
Đồng thời, sự bất cân đối giữa cung và cầu sẽ dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo quy luật của thị trường, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Và cuối cùng, do sinh kế của các shipper phụ thuộc vào khả năng được lưu thông trên đường, việc tài xế phải ở nhà, không có thu nhập sẽ góp phần tạo thêm áp lực không nhỏ cho thành phố trong việc đảm bảo an sinh xã hội, trong bối cảnh thành phố đang phải hỗ trợ các gói an sinh trong các đối tượng không có việc làm vì dịch bệnh, đại diện Gojek chia sẻ.
Đại diện Loship cho biết trong trường hợp doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho toàn bộ shipper, và chi phí này người shipper phải chịu thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt shipper do thu nhập từ việc giao hàng không đủ để bù vào chi phí xét nghiệm. Khoản tiền này vô tình trở thành gánh nặng trong chi tiêu hàng tháng của họ. Nếu như việc xét nghiệm là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp mong chính quyền hỗ trợ các doanh nghiệp và shipper ở phần này, vì đây là bài toán khó cho cả phía doanh nghiệp lẫn người shipper.
Doanh nghiệp này cho rằng việc xét nghiệm cho shipper tương tự như xét nghiệm cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, vì shipper là mắt xích quan trọng giúp duy trì và thúc đẩy được chuỗi cung ứng, góp phần hạn chế người dân đi ra ngoài.
Phía Gojek cho biết theo các công văn hiện hành, các shipper đang được xét nghiệm nhanh miễn phí cho đến hết ngày 30-9-2021 để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Doanh nghiệp mong muốn sau thời gian này, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các chi phí xét nghiệm nhanh này. Đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn nếu như doanh nghiệp phải tự trang trải, trong khi hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp gần như ngưng trệ trong thời gian qua để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh do bối cảnh kinh tế-xã hội thay đổi trong đại dịch.
Do đó, Gojek đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn. Gojek và các doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác được tham gia chung tay cùng các cơ quan chức năng để ứng dụng công nghệ vào việc điều phối tài xế, nhằm giảm tải cho một số cơ sở y tế và tăng tính hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
19/33 doanh nghiệp thực hiện khai báo y tế cho shipper
Ông Từ Lương – PGĐ Sở TT-TT TP.HCM cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp quản lý shipper. Đã có hơn 200 điểm cầu tham gia tập huấn trực tuyến để vận hành ứng dụng “Khai báo y tế điện tử thành phố” nhằm cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper.
Ngày 22/9, Sở TT-TT đã tạo tài khoản cho 33/34 doanh nghiệp, riêng Sen Đỏ không cung cấp thông tin. Đồng thời, thiết lập kênh liên lạc giữa các Sở với đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo doanh nghiệp vận hành hệ thống. Tính đến 12h30 ngày 23/9 đã có 19/33 doanh nghiệp (hơn 60%) thực hiện các thao tác trên phần để cập nhật kết quả xét nghiệm theo hướng dẫn trước khi cập nhật dữ liệu chính thức vào ngày 24/9.
Ba công việc các doanh nghiệp quản lý shipper sẽ làm bao gồm: Khai báo dữ liệu theo kết quả xét nghiệm theo mẫu; đăng tải dữ liệu lên hệ thống; kiểm tra, thanh lọc kết quả đăng tải. 3 nội dung trên đã 19/33 doanh nghiệp thực hiện thành thục, 14 doanh nghiệp chưa thực hiện được việc này.