TP.HCM: Những đối tượng nào cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19?

11:18 | 23/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Học sinh, giáo viên được xét nghiệm mẫu gộp PCR 7 ngày một lần, bệnh nhân khám bệnh lần đầu được cho test nhanh mẫu đơn trước khi vào khám...

Nhằm thực hiện công văn số 3113/BCĐ-VX ngày 20/9 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP về việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay cho đến 30/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam đã ký công văn khẩn số 6776/SYT-NVY về việc triển khai công tác xét nghiệm giám sát thường xuyên.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) vừa ban hành hướng dẫn xét nghiệm đối với người làm việc trong 8 ngành, nghề trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa

Đối với ngành giáo dục, toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tại trường học..., sẽ được thực hiện lấy mẫu bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp với tần suất 7 ngày/lần.

Toàn bộ cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như doanh trại quân đội, công an, trại giam..., cũng được xét nghiệm với tần suất tương tự.

Tại bệnh viện, bệnh nhân đến khám lần đầu sẽ được thực hiện một lần xét nghiệm trước khi vào khám bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu đơn. Trong khi đó, nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện sẽ được xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp cách 7 ngày/lần.

Toàn bộ nhân viên, tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) với tần suất 3 ngày/ lần.

Lái xe, phụ xe hàng sẽ thực hiện phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ người theo xe mỗi ngày.

Tại sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt, cơ quan chức năng sẽ thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) cho nhân viên, người phục vụ với tần suất 3 ngày/lần.

Các lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, shipper giao hàng sẽ được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) từ 1-3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.

Đối với khối cơ quan hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, toàn bộ công nhân viên được lấy mẫu bằng bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể).

Nhanh chóng cập nhật dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng để phòng, chống dịch

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để có thể từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, thời gian tới, TPHCM phải cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; tiêm vaccine cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường năng lực điều trị; đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến quy mô dưới cấp xã, phường; thực hiện nghiêm giãn cách trong thời gian còn lại và tăng cường, đổi mới công tác xét nghiệm…

Bên cạnh đó, Thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý thông tin sức khoẻ của người dân (kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine), đánh giá nguy cơ dịch bệnh… để các hoạt động của DN, người dân trong trạng thái bình thường mới được diễn ra thông thoáng, an toàn, chắc chắn, đồng thời kiểm soát dịch bệnh bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trong suốt thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 luôn chỉ đạo xuyên suốt việc xây dựng, triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh… tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư…

Với phương châm “vừa làm, vừa phối hợp” giữa các đơn vị phục vụ thiết thực cho mục đích chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế, Bộ Công an trong tổ chức thực hiện.

Về một số vấn đề cụ thể cần làm ngay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Công an, các DN viễn thông, công nghệ thông tin (Viettel, VNPT) khẩn trương hoàn thiện, vận hành thông suốt hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Người dân tiêm chủng ở đâu cũng được cập nhật ngay. Khắc phục tình trạng mất rất nhiều thời gian chỉnh sửa thông tin mới có thể cập nhật lên hệ thống dữ liệu quốc gia.

Trước mắt, cần có giải pháp trung gian, tạm thời để kịp thời cập nhật thông tin tiêm chủng của tất cả người dân TPHCM phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cập nhật kết quả xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm nhanh của người dân thực hiện tại các cơ sở y tế, điểm xét nghiệm, các DN… lên hệ thống dữ liệu quốc gia, đồng thời tổ chức phân hệ dữ liệu phục vụ cho hoạt động điều hành phòng, chống dịch của Thành phố.

Hiện nay, TPHCM đã xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng tổ dân phố. Ảnh VGP/Đình Nam

Hiện nay, TPHCM đã xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng tổ dân phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Thành phố tiếp tục đánh giá nguy cơ ở quy mô nhỏ hơn nữa, thậm chí đến từng gia đình, trên cơ sở phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) sử dụng nền tảng Bản đồ số Việt Nam (Vmap).

Bản đồ này không chỉ phục vụ phòng, chống dịch mà hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai các gói an sinh, tiền hỗ trợ đến từng gia đình, cá nhân, không để người dân tập trung tại các địa điểm chi trả như vừa qua.